Tháng 10 năm 2005, Trời đổ mưa tầm tã. Tôi và GG mắc kẹt bên mái hiên trên đường quốc lộ. Chúng tôi vừa trở về sau một chuyến đi chơi xa cùng nhau. Nắm lấy bàn tay nhỏ bé đang run vì lạnh của cô ấy cho vào túi áo khoác của mình, tôi mỉm cười trìu mến:
“Em có lạnh không?”“Không, em thấy ấm lắm.” Cô ấy cũng cười, nghiêng đầu đầu tựa vào vai tôi.
“GG này, anh vẫn chưa hỏi em một chuyện.”
“Anh hỏi đi.” Cô ấy khẽ khép đôi mi, dụi đầu trìu mến.
“Con heo màu hồng ngày ấy em tặng anh đấy. Em đã thu âm những gì vậy?”
“Em nghĩ không cần nói anh cũng biết rồi mà.” Cô ngẩng đầu nhìn tôi, chớp chớp đôi mắt.
“Anh muốn nghe chính miệng em nói kìa…” Tôi đưa tay bẹo má cô ấy.
“Một câu 3 chữ đơn giản. I Love You! Lúc ấy em không có đủ can đảm để nói với anh vì biết anh đang cố tránh mặt em.” Cô ấy nhún vai, đôi má ửng hồng dưới gió lạnh.
“Thế em có biết vì sao anh làm như thế không?”
“Vì…anh thấy em…phiền phức?” Ánh mắt cô ấy thoáng buồn, có lẽ vì nhớ lại khoảng thời gian hai đứa hễ gặp mặt là lại cãi nhau. Lần nào cũng kết thúc bằng việc cô ấy rời đi tong nước mắt.
Tôi thở dài, đặt lên vầng trán bướng bỉnh của GG một nụ hôn nhẹ và thì thầm:
“Ngô Ngọc Bảo Quỳnh….”
“Ngốc à, thật ra lúc ấy anh làm như vậy, vì anh cũng đã thích em mất rồi…”
…
Một người nếu thiếu máu thì sẽ gặp phiền phức, nhẹ thì choáng váng mặt mày, rơi vào hôn mê, nặng thì chỉ sợ cả mạng cũng không còn. Máu không thể nghi ngờ, chính là nguồn sống của tất cả sinh vật trên hành tinh này.
Người ta ví đồng tiền là máu của nền kinh tế, điều đó cho thấy rằng tiền có giá trị to lớn như thế nào. Sống trên đời này ai cũng cần tiền, từ những người nghèo khổ đói rách cho đến những người tột cùng giàu có. Tiền đôi khi không phải là tất cả, nhưng không có tiền thì ngày 3 bữa cũng không xong.
Tiền đã biến đổi con người của tôi, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, nó làm cho tôi lột xác triệt để. Từ một đứa nhà quê cục mịch, ăn mặc luộm thuộm ít người muốn chơi cùng vì không có tiền, giờ đây tôi có cơ hội khoác lên người những bộ quần áo hàng hiệu, đầu tóc vuốt keo láng bóng, ra vào cả đám tiền hô hậu ủng vì túi rủng rỉnh. Trông như là có tất cả nhưng thật chất lại chẳng có gì. Không vui vẻ, không tình yêu, không cả hơi ấm gia đình…
Tôi chỉ có tiền.
Tiền nhiều không sao xài hết, tôi ngồi vắt óc suy nghĩ cách tiêu tiền, tôi cứ như một người khách đỏng đảnh cầm một xấp tiền trên tay, đứng trước gian hàng bày bán đủ loại, thích mua gì thì cứ việc nhón tay cho vào giỏ là xong. Ở cái tuổi bốc đồng máu nóng, thích thể hiện bản thân, công thêm chán nản mất hết niềm tin vào cuộc sống, cuối cùng sau một hồi lâu đắn đo suy nghĩ, tôi quyết định dùng tiền mua “bạn bè”.
Có tiền sẽ không sợ cô đơn, lúc nào cũng có người muốn làm bạn với mình. Nghe qua thì khá đơn giản nhưng thật ra tôi cũng nhọc công không ít, nếu chỉ dùng tiền sai khiến chúng nó, tôi biết tỏng sẽ có một ngày chúng nó quay lại cắn mình hoặc khi mình hết tiền thì “bạn bè” cũng sẽ ra đi. Chẳng phải tục ngữ có câu: “Hết tiền hết bạc, hết ông tôi.” đó sao.
Thế là từng bước từng bước được tôi suy tính đầy cẩn thận. Đầu tiên, tôi khoanh vùng, chọn những vùng nhỏ xung quanh trường hay gần nhà làm mục tiêu đầu tiên. Sau đó, tôi dùng tiền đi lân la làm quen, tiếp cận với mấy thằng bụi đời hay những đứa học sinh như tôi nhưng thích dùng nắm đấm hơn là dùng bút. Phải chọn những đứa không có tiền. Sau vài ngày ăn uống, cà phê hút thuốc, hay “cho mượn dùng đỡ” (thực ra là cho luôn) chúng nó “xưng huynh, gọi đệ” với tôi ngọt xớt.
Tiếp đến, tôi kiếm thêm vài đám nữa với những tiêu chí được chọn như trên, nhưng thêm vào điều kiện, những đám sau phải đông hơn và có máu đánh nhau hơn đám trước. Khi thấy đã ổn, bọn tôi gây sự khắp nơi, lấn qua trường khác hoặc khi cần thiết dùng những thằng mới đi đập chính những thằng cũ nếu bọn chúng có hơi hướng manh nha giở trò “được voi đòi tiên”. Tất nhiên là sau đó những đứa bị đánh/chém hoặc là sợ tôi một phép, hoặc là phải nhìn tôi với con mắt khác. Để thoải mái cho mối quan hệ lợi dụng lẫn nhau, lâu lâu tôi cũng bao bọn chúng ăn chơi một chút gọi là, nhưng tuyệt nhiên chúng nó không còn xem tôi như cái ví tiền công cộng nữa.
Khi đã có “số” rồi, thì việc mở rộng quan hệ dễ hơn rất nhiều, nhưng có một vài trường hợp cũng khá là khó xử. Với vài đứa có “số” tương đương hoặc hơn mình, muốn bọn nó nể mình thì chỉ còn cách tự tay “xông pha trận mạc” thì việc mới xong. Thời trẻ trâu hăng máu, gây gỗ đánh nhau là chuyện thường ngày, hầu như ngày nào cũng có, đôi khi một ngày tù tì liền vài trận. Thời gian càng trôi qua thì trước mặt tôi càng ngày càng nhiều máu, máu của tôi có, máu của đối phương cũng có. Những trận đâm chém nhiều không kể xiết cũng khiến dòng máu nóng trước giờ vẫn ở trong người tôi chảy hết, nó được thay thế bằng một loại máu tàn độc hơn, nhẫn tâm hơn: máu lạnh.
Đôi tay của tôi không còn dùng để cầm bút nắn nót từng chữ nữa, thay vào đó nó cầm ống tuýp, cầm dao…
Những trận hỗn chiến đầy bạo lực và máu me tưởng chừng như không có hồi kết ấy cũng dần thưa thớt…
Và, cái kế hoạch ngu xuẩn, theo như lời GG gọi khi sau này tôi kể cho cô ấy nghe, được hoàn thành một cách mỹ mãn bởi tiền và máu.
Giờ đây, ở đâu tôi cũng có người quen, khi ra đường mà đụng chuyện, hô 1 tiếng là có ngay vài chục mạng tay lăm le vũ khí sẵn sàng, cho thêm thời gian thì có khi con số ấy lên đến gần cả trăm. Thời ấy, những cái tên như C Xít, T cá, H Đồng Tiến, H đô, H Lai, … nổi danh ở khu bọn nó sống (tất nhiên là danh bất hảo). Tuy không có cửa để ngồi chung mâm với các đại ca giang hồ thứ thiệt nhưng cũng có thể xem như “những ngôi sao mới nổi” hoặc không thì cũng có bối cảnh lớn phía sau. Tất cả bọn nó đều có giao tình với tôi, ít nhiều tùy đứa.
Càng ngày tôi càng kênh kiệu, vênh váo, hễ thấy không vừa ý là động tay động chân. Dùng bạo lực để giải quyết vấn đề và dùng nắm đấm để thay lời nói là cách hành xử thường ngày của tôi.
Thật sự tôi cũng hiểu rằng mình không thể xem những mối quan hệ này là “bạn” được, nếu gọi là “bè” thì sẽ hợp hơn. Lúc nào tôi cũng giữ khoảng cách nhất định với bọn chúng, không quá thân thiết nhưng cũng không thể quá lạnh nhạt. Mặc dù tôi biết cũng có vài thằng thật lòng đối đãi với tôi, nhưng khi đã giao du với những thằng này thì cũng như làm bạn cùng với “sói” vậy, ta có thể gặp nguy hiểm bất cứ lúc nào.
Mãi lâu sau này khi tình cờ đọc được một câu nói của O. W. Holmes: “Tiền bạc là phương tiện của kẻ thông minh, là mục đích của kẻ ngu dốt…” tôi đã phì cười khi nghĩ đến cái quá khứ bất hảo của mình, hóa ra lúc đó mình cũng “thông minh” đấy chứ.
Có người thắc mắc thậm chí không tin, làm sao một đứa học sinh chỉ mới 15-16, đương cái tuổi ăn chưa no mặc chưa tới, có thể làm được cái việc kinh tởm này.
Thật chất tôi biết đến sức mạnh của đồng tiền và những mưu mô xảo trá từ sớm rồi, khi lúc tôi chỉ mới học lớp… 5 thôi.
Trường tiểu học của tôi nho nhỏ, nằm trên một con đường hẹp bề ngang trải dài từ Quận 5 sang Quận 1, con đường ấy lúc nào cũng đông đúc và sầm uất.
Tôi còn nhớ rất rõ, trong các môn học thì tôi thích nhất khi ấy là môn Đội, bởi vì môn ấy không chỉ đơn thuần là dạy kiến thức, mà nó còn có rất nhiều hoạt động ngoại khóa nữa. Ngoài ra những học sinh có năng khiếu còn được chọn ra lập thành nhóm để tham gia cuộc thi làm mô hình, vẽ tranh cùng các trường khác và tất nhiên hững cuộc thi ấy không thể nào thiếu tôi được.
Tôi yêu môn học ấy bằng cái nhìn ngây ngô không vấn đục của trẻ con, thế nên tôi yêu luôn cô giáo phụ trách Đội của trường. Vì muốn phát huy năng khiếu của tôi và để được cô quan tâm chăm sóc nhiều hơn, mẹ tôi khi ấy còn làm nhà nước thường tặng cô vé mời đi xem phim, thỉnh thoảng có dịp lễ thì quà cáp đầy đủ. Không biết vì tôi năng nổ và có nhiều tài lẻ, hay là vì những món quà kia mà cô phụ trách rất ư là “đặc biệt quý mến” tôi.
(Thời này vé xem phim cũng không rẻ, và rạp thì chỉ có những cụm rạp của nhà nước thôi, chưa hề có bóng dáng của doanh nghiệp tư nhân như bây giờ. Chất lượng cùng cung cách phục vụ thì nói chung khá là tệ, nhưng mọi người không có sự lựa chọn).
Tôi vô tư, không hay không biết, càng ngày càng yêu thích môn học ấy và những hoạt động tập thể nhiều hơn, có lúc tôi còn ước phải chi ngày nào cô cũng có tiết thì quá tuyệt vời. Cho đến năm tôi lớp 5, những lúc mà tôi thay mặt mẹ tặng quà hay vé mời cho cô thì tôi đều nghe được tiếng xì xào bàn tán không hay của bọn bạn trong lớp. Có thể tóm gọn đại loại như: nó nhờ đút lót mà được cô thương, cô tham lam nên thiên vị, thằng ấy chỉ có nịnh là giỏi….. Thế là tôi về gặp mẹ, nằng nặc một hai đòi mẹ chấm dứt ngay cái việc quà cáp ấy. Tôi muốn chứng minh với bọn bạn trẻ ranh của mình là tôi có năng khiếu thật sự và hơn hết là cô yêu mến tôi không phải vì những món quà kia. Lúc ấy trong lòng tôi, cô là một thần tượng tuyệt đối, không gì có thể lay đổ được, tôi không cho phép đứa nào nói xấu cô cả.
Nhưng, thực tế phũ phàng chứng minh tôi đã lầm. Khi không còn quà cáp thì sự yêu mến của cô đối với tôi cũng không còn, càng ngày càng lạnh nhạt. Tôi buồn lắm nhưng tôi không biết được khúc cao trào vở kịch của cô giáo “kính yêu” và đứa học trò nhỏ còn chưa đến….
Không lâu sau đó, khi ấy tôi đang vừa là lớp trưởng, vừa là chi đội trưởng và sắp tới trường có tổ chức cuộc bầu cử để chọn ra Ban cán sự Đội của trường, tôi cũng có tên trong danh sách ứng viên. Buổi bầu cử được bỏ phiếu bởi những ông “sếp con” của các lớp (ban cán sự lớp, ban cán sự chi Đội) diễn ra tốt đẹp. Kết quả tôi được bầu là Ủy viên của trường. Cái thời ấy nếu nằm trong ban cán sự đội của lớp hay trường thì được phát cho mẫu giấy được bọc bởi lớp plastic trong suốt, có sao và vạch tùy theo chức vụ, và được đeo lên vai cứ như sĩ quan trong quân đội, trông cũng khá oách.
Sau khi buổi bầu cử kết thúc, tôi rủ lũ bạn đi ăn đá banh rồi ăn quà vặt để ăn mừng, khi bước ra khỏi hội trường, tôi nhìn thấy bố mẹ của thằng Tâm đang đứng nói chuyện với cô, tay bố nó đang cầm một giỏ quà to tướng và một cái phong bì…. Tôi ghét cái thằng này, nó học chung với tôi 2 năm lớp 2 và lớp 3, là một công tử bột chính hiệu, không biết có phải được bố mẹ nó nuông chiều quá mức hay không mà khi vào lớp nó cứ tự cho mình là bề trên, hay cáu gắt hoặc sai bảo mọi người, cứ như là bắt mọi người phục vụ cho nó vậy. Bởi thế nó chỉ chơi với dế là được thôi, nó bị cả lớp cô lập. Tôi còn nhớ hồi sang, khi kết quả được công bố, khi biết mình không có tên trong danh sách trúng tuyển, nó khóc tu tu như đúng rồi, thực chất thì việc nó có mặt trong danh sách ứng tuyển cũng làm tôi và lũ bạn ngạc nhiên…
Hôm sau vào trường, vừa mới ngày đầu tiên tôi đeo được cái “quân hàm” của Đội trường trên vai thì cô đã gọi tôi lên phòng. Tôi vô tư nào có lo nghĩ, nhanh nhảu chạy như bay đến, khi đến nơi, tôi thấy ngoài cô còn có thằng Tâm nữa. Cô nhẹ nhàng gỡ “quân hàm” của tôi ra, cài lên vai áo thằng Tâm, giải thích qua loa đại loại: hôm qua thầy hiệu phó công bố nhầm tên do quá trình đếm phiếu có sai sót…. blah…blah… blah…
Tôi sững cả người, mắt rưng rưng muốn khóc nhìn thằng Tâm cười khả ố. Tôi biết việc đếm nhầm phiếu là không thể nào, vì Tiểu Lợi của tôi cũng phụ giúp thầy cô kiểm phiếu mà, em cam đoan với tôi kết quả là chính xác. Tôi cố gắng nuốt những giọt nước mắt vào lòng, quay đi mà không khóc. Tiểu Lợi đã nói “con trai mà khóc thì kì lắm.”
Hôm đó về nhà tôi làm mặt chù ụ nguyên cả ngày, mẹ cứ gặng hỏi tôi chuyện gì nhưng tôi không nói, chỉ im lặng mà thôi.
Thật ra mà nói thì tôi không quan trọng mấy cái chức vụ đó đâu, có hay không cũng vậy thôi. Nhưng tôi khóc là vì cô – người mà bấy lâu nay tôi hết mực kính trọng và tôn sùng lại có thể đối trá đến trắng trợn như vậy. Tôi buồn, tôi thất vọng. Đêm ấy tôi nằm mà cứ trằn trọc không sao ngủ được, cuối cùng, một quyết định được đưa ra…. Tôi cảm thấy bấy lâu nay, gánh nặng trên đôi vai nhỏ bé của mình đã quá nhiều, đã đến lúc buông bỏ…
Sáng hôm sau, tôi từ chức lớp trưởng và cả chi Đội trưởng, trở về làm một học sinh bình thường. Tôi thấy rất thoải mái, vốn dĩ tôi đã không thích làm, chẳng qua là vì mẹ ép tôi mà thôi.
Năm học ấy cứ trôi qua êm đẹp, cho đến lúc gần cuối năm, tôi nghe phong phanh lũ bạn nói rằng trường mình sắp tham dự một cuộc thi làm mô hình với những trường khác trong thành phố, chủ đề là “thành phố tương lai”. Tôi bỗng thấy háo hức lạ thường, mày mò chế tạo hay vẽ vời là sở thích của tôi mà. Lòng háo hức ấy chưa kịp dâng cao thì tôi đã chùn xuống, đã lâu rồi…cô không đếm xỉa gì đến tôi nữa.
Tôi cũng định đi gặp cô để xin vào nhóm tham dự, không phải chỉ vì sở thích của riêng tôi đâu, mà là vì tập thể. Tôi hiểu rõ cái nhóm của trường mình, thiếu tôi là không bao giờ có thể xong được. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại tôi lại chọn cách im lặng, nếu cô cần mình thì cô sẽ gọi mình thôi mà.
Đúng như tôi dự đoán, cô đã gọi tôi tham gia nhóm. Khỏi phải nói cũng biết tôi đã vui mừng như thế nào. Ngay lập tức tôi bắt tay vào việc, lúc nào rảnh là chạy xuống phòng cô để làm, tôi bỏ cả giờ ra chơi, bỏ những trận đá bóng náo nhiệt, lại còn xin mẹ ở lại trường them vài tiếng để làm nữa… Do kinh phí rất chi là eo hẹp, cô vận động các thành viên nhóm về nhà thu gom những thứ có sẵn có thể sử dụng như: bao thuốc, hộp giấy, bút màu, bút lông…v…v… Riêng tôi thì tôi hi sinh luôn vài món đồ chơi mà mình rất thích, cái nào để nguyên được thì để nguyên, cái nào tháo được thì tháo, tất cả mang vào trường. Suốt hơn một tuần liền tôi cứ như vậy, đến nỗi Tiểu Lợi tuyên bố nghỉ chơi tôi ra luôn, vì tôi nào có thời gian đi chơi với em…Tôi cứ làm, làm mãi, tâm trí tôi giờ đây chỉ có cái mô hình đó thôi, ngày nào cũng về nhà với cái mặt lấm lem màu vẽ, đêm đến thì lại nằm suy nghĩ ý tưởng. Tôi muốn làm thật tốt để đoạt giải cao, và có thể cô sẽ không lạnh nhạt với tôi nữa, sẽ lại thương tôi như xưa.
Cuối cùng sau bao nhiêu cố gắng, mô hình cũng được hoàn tất. Sẽ không ngoa nếu nói công sức của tôi đóng góp vào đó chí ít cũng rơi vào khoảng 60%. Kia là tòa cao ốc tương lai, đây là vườn thú, tiếp đến là rừng cây, là hồ bơi….. Nhìn cái mô hình to hớn hơn 4 cái bàn cộng lại, lòng tôi thấp thỏm tràn đầy hi vọng.
Cuộc thi kết thúc, bao nhiêu công sức tôi bỏ ra không uổng phí, trường tôi đoạt giải nhất. Lúc trao cờ kỉ niệm và phát thưởng, người có vinh dự lên bục nhận không phải là tôi mà lại là thằng Tâm. Ai cũng bất ngờ… Cuối cùng nó còn được chụp hình để dán lên bảng tin tháng của trường nữa cơ đấy.
Bạn bè ai cũng bất mãn thay tôi, ai cũng biết cái thằng ấy thì có làm gì đâu, toàn là xuống chơi, đi vòng vòng chỉ tay năm ngón. Tuy rõ ràng là vậy, nhưng tôi không quan tâm đâu, quan trọng là công sức của tôi được cô thừa nhận, rồi cô sẽ lại quý mến tôi như ngày xưa, thường hay xoa đầu tôi, mua quà vặt cho tôi… À, và còn cái phần thưởng kia nữa chứ, chà chà, nghĩ đến nó là tôi lại xoa tay. Nếu trừ hết “tiền vốn” bỏ ra (thực ra thì rất là ít, vì đa số nguyên liệu dùng làm mô hình là do tôi và các bạn trong nhóm về nhà lấy mà, có đứa còn xin tiền bố mẹ đi mua nữa. ) rồi chia đều cho các thành viên thì mỗi đứa cũng được 10 mấy ngàn. Thế là tôi có thể dẫn Tiểu Lợi đi ăn rồi, à còn nữa, tôi sẽ mua cho em một cái kẹp có hình nhân vật hoạt hình mà em thích nữa, tôi để ý ngoài chợ lâu lắm rồi. Tôi cứ háo hức chờ mong với những dự định…
Và… một lần nữa thực tế phũ phàng lại chứng minh tôi đã sai.
Vài ngày sau, cô tổ chức buổi tiệc ăn mừng nhẹ với bánh và cocacola mà không nói với tôi một lời, lại còn cấm các bạn trong nhóm không được rủ tôi xuống nữa. Ngay cả phần thưởng kia tôi cũng không được chia.
Tôi bàng hoàng và không hiểu. Tôi đã làm gì sai sao? Tại sao lại phủ nhận đi tất cả công sức của tôi như vậy?
Hôm ấy tôi lại về nhà trễ, nhưng chẳng phải làm mô hình như tôi viện cớ với mẹ, tôi tự hứa với lòng rằng sẽ không bao giờ đụng tay vào bất cứ thứ gì có liên quan đến người giáo viên đó nữa. Tôi gục đầu vào vai Tiểu Lợi mà khóc như mưa, khóc đến nước mắt nước mũi tèm nhèm…
Đúng là trẻ con mà.
Trẻ con ngây thơ lắm, thuần khiết lắm, hãy để cuộc sống của chúng tràn đầy màu hồng mộng mơ, đừng gieo vào đầu chúng những tư tưởng ô nhiễm của người lớn.
Thật đáng tiếc, cô đã dạy tôi như thế nào là sự gian dối, xảo trá khi tôi vừa học đến lớp 5.
Trẻ con rất yêu trường lớp, yêu thầy cô và những tiết học, hãy đối xử với chúng bằng cả tấm lòng và sự chân thành, để mái trường đầu tiên với cây phượng đỏ sẽ mãi là kỉ niệm đẹp tuyệt vời.
Thật đáng tiếc, tôi đã biết thế nào là bị phản bội bởi chính người mà tôi kính trọng nhất ngay khi tôi chỉ là một đứa trẻ 11 tuổi.
Tôi đã mất đi cô giáo của mình như thế đấy.
Từ đó về sau, dù là cho lúc lên trung học cơ sở hay cho đến khi rời khỏi ghế nhà trường trung học phổ thông, tôi không còn tham gia bất kì hoạt động tập thể nào nữa, từng ấy năm, tôi vẫn chỉ là Đội viên, nếu mà được từ luôn cái danh hiệu Đội viên này, tôi cũng sẽ làm không chút do dự.
Khi càng lớn lên tôi càng hiểu rõ được nhiều điều khi nhớ lại kỉ niệm không mấy đẹp đẽ và sạch sẽ này. Chí ít thì tôi cũng học được từ cô giáo của tôi khá là nhiều thứ, nó ảnh hưởng rất lớn đến suy nghĩ và tâm trí của tôi ngay từ lúc còn nhỏ, giúp tôi hoàn thành cái con đường được trải bằng máu và tiền mà tôi đã nhắc ở trên một cách hoàn mỹ.
Đầu tiên, cô dạy tôi giá trị của đồng tiền, tiền có thể đảo lộn thị phi, đổi trắng thay đen. Tiền có thể giúp mình sai khiến người khác, dù người đó ở tận cùng nhơ nhuốc như con nghiện, bụi đời hay ở vị trí thanh cao được mọi người kính trọng như giáo viên chẳng hạn.
Thứ nhì, cô dạy tôi thủ đoạn, giả dối. Thủ đoạn dùng lời ngon tiếng ngọt, giả vờ ân cần quan tâm để lừa dối những người nhẹ dạ, bắt họ làm mọi không công cho mình. Giả dối, con người cần phải có dối trá, cũng như nhà binh nói “Binh bất yếm trá” mà, phải dối trá thì có thể đóng vở kịch yêu thương suốt 5 năm từ lớp 1 đến lớp 5, giả dối là đôi khi miệng cười như hoa mà bụng lại là toàn dao găm, giết người không thấy máu.
Thứ ba, tàn nhẫn. Làm người thì phải tàn nhẫn, tất cả đặt lợi ích của mình lên hang đầu, đôi khi phải đạp lên kẻ khác mà đi, dù nó chỉ là một đứa học trò nhỏ bé ngây ngô. Phải đạp lên nó để mình nhận được lợi ích, được tuyên duyên vì phong trào Đội phát triển, vì trường có phong trào thi đua mạnh đoạt nhiều giải thưởng.
Cám ơn cô vì những bài học của cô, nó giúp một đứa trẻ như tôi khi ấy học hỏi rất nhiều mánh mung, nhận biết được nhiều hương vị của cuộc đời, như vậy, khi lớn lên ra đời, nó sẽ không dễ dàng bị người khác bắt gạt.
Cô thật là khổ tâm…
Nhưng cô có biết là dù cố tình hay vô ý thì cô cũng đã bóp nghẹn tâm hồn trong sáng của một đứa trẻ rồi hay không?
Sau bao nhiêu năm rồi,
Chắc có lẽ cô không còn nhớ đứa học trò nhỏ này là ai nữa, vì cô sẽ có quá nhiều những đứa “học trò nhỏ” khác mà cô cần “thương yêu”.
Chắc có lẽ cô cũng vẫn tiếp tục đứng lớp, góp phần “đào tạo” bao nhiêu mầm non tương lai của đất nước.
Cô à…
Trong cuộc đời giáo viên của mình, cô có trách nhiệm dạy cho rất nhiều người. Nhưng cô biết không? Cô sẽ chỉ dạy mà không thể học, học cách trở thành một giáo viên chân chính. Có lẽ cô nên mua GTO về mà đọc đi. Đôi khi một quyển truyện tranh của lứa tuổi học trò mà người lớn các người cho là nhảm nhí, phản cảm… lại có thể dạy cho cô một bài học đầy ý nghĩa mà cô chưa bao giờ biết đến:
“Một giáo viên có thể có trăm, ngàn học trò.
Nhưng….
Học trò chỉ có một giáo viên mà thôi.” – Eikichi Onizuka – Thầy giáo “bá đạo”.
…
Còn tiếp…