Truyện Sex Tuổi 23

Phần 56

Trở về Hà Nội, cuộc sống của tôi phủ một màu u ám gần một tuần mới hết. Sau đó, mọi thứ lại trở về như cũ. Không có nỗi buồn hay cơn tức giận nào là mãi mãi. Qua được quãng thời gian khó khăn, tôi bắt đầu nghĩ chuyện vẽ, nghĩ một cách nghiêm túc nhưng không đến nỗi lập kế hoạch chi tiết từng li từng tí.

Sau khi cân nhắc kỹ, tôi quyết định vẽ lại và định thực hiện việc này ngay tuần kế tiếp. Mỗi tối, thay vì lên mạng đọc báo hoặc xem mấy video hài hước vớ vẩn, tôi vẽ. Tuy nhiên, thay vì xào lại chủ đề cũ, tôi bắt đầu tìm tòi những điều mới. Tôi bắt đầu đặt câu hỏi: mình sẽ tiếp tục vẽ fantasy hay từ bỏ nó? Nếu không thể vẽ fantasy, mình sẽ vẽ gì? Nếu tiếp tục vẽ fantasy, mình sẽ vẽ gì? Có cách nào kết hợp được không? Tuy đã lâu chưa vẽ, nhưng câu hỏi về sự mới mẻ chưa bao giờ tắt trong ý nghĩ của tôi.

Nghĩ là một chuyện, bắt tay vào làm là chuyện khác. Đôi khi, vì một ngày đi làm chưa hẳn mệt nhọc mà có quá nhiều chuyện bực mình, tôi sẵn sàng ném cả buổi tối hôm ấy cho mấy bộ phim hoặc clip hài. Nhưng rồi phim phổm hay mấy thứ hài hước chẳng làm tôi thấy khá lên. Người ta xem phim chán chê, xem hài kịch các kiểu nhưng vẫn lên facebook than vãn chán chường, chính là tình trạng kiểu này. Tôi không biết người khác thế nào chứ với riêng tôi, khi những suy nghĩ và ý tưởng còn tràn ngập trong bộ não, tôi sẽ không thể ngồi yên. Lừng khừng mấy ngày đầu tuần, tôi bắt đầu vẽ vào thứ tư. Chuyển biến ý tưởng ra trang giấy thật khó khăn, nhưng điều quan trọng là khi vẽ, tôi cảm thấy vui, cảm thấy mình đang sống.

Tuy nhiên, không có việc gì là dễ dàng. Sau một tuần, tôi đã hoàn thiện tác phẩm và gửi qua cho Gà Bay. Hắn phản hồi lại thế này:

“Ông vẽ kiểu mới à?
Nhìn trông quái quái
Không giống trước đây tí nào”

“Tôi đang thử vẽ kiểu mới
Ông thấy sao?”

“Trông lạ lạ
Trước đây chưa thấy ông vẽ vậy bao giờ
Mới nhìn trông không thuận mắt lắm
Hay ông thử post lên diễn đàn
Xem chúng nó ý kiến thế nào?”

Tôi nghe theo lời Gà Bay và bắt đầu post tranh lên diễn đàn. Trái với kỳ vọng của tôi, những comment phản hồi không được tốt lắm. Những người xem tranh đa phần là người mới, người cũ hầu như đã ra đi hết. Họ nhận xét thế này:

“Vẽ được đấy, cơ mà không hiểu tác giả có ý gì?”

“Tại sao con tàu lại có mắt? Trông kinh quá!”

“Chủ đề fantasy mà chẳng thấy fantasy đâu… rồng đâu? Chiến binh đâu? Bạn nên học vẽ cơ bản”

“Vẽ như cái l…”


Ngay cả những người cũ còn cũng không mặn mà với tác phẩm mới của tôi. Họ nghĩ tôi đang phá vỡ khuôn khổ chứ không phải sáng tạo. Họ muốn tôi vẽ như trước, vẽ những đường nét mà họ đã quen mắt. Tôi thì không muốn giậm chân tại chỗ, vẽ lại những thứ mình đã vẽ hoặc na ná giống vậy không thỏa mãn tâm trí tôi. Nhưng những lời bình luận khiến tôi hoang mang, cảm giác như mình đã chạm đến giới hạn, không thể đi xa hơn nữa. Song Gà Bay không cho đó là thất bại, hắn động viên tôi:

“Lúc đầu trông lạ với không quen mắt thật
Nhưng ảo phết
Vậy mới là fantasy chứ
Ông cố gắng vẽ thêm xem
Biết đâu có kết quả tốt?
Ông phải cho người ta thời gian
Tranh mà
Phải ngắm một tí mới được :D”

Nghe lời hắn, tôi tiếp tục vẽ. Mỗi ngày, khi đi làm về, cơm nước tắm giặt xong, tôi lại vẽ. Quỹ thời gian ngủ của tôi giảm xuống, thay vì tám tiếng chỉ còn sáu hoặc bảy tiếng vì tôi thức muộn để vẽ. Thứ bảy và chủ nhật trở thành hai ngày vàng của tôi.

Gọi là ngày vàng bởi trong bốn mươi tám tiếng ấy, tôi có thể vẽ liên tục hàng tiếng đồng hồ (trừ phi bạn bè rủ đi café), có thể sống trọn vẹn với thế giới của mình. Mỗi khi vẽ, tôi là một anh chàng 23 tuổi nhưng mang những khát khao của một cậu trai 17 tuổi. Một tháng vẽ đầu tiên, chưa ai thèm bình luận những tác phẩm của tôi. Tôi cố gắng gấp đôi vào tháng thứ hai. Hai tháng, ba tháng, rồi bốn tháng, những bức tranh vẫn lần lượt ra lò song lời bình luận chẳng thấy đâu. Tôi không nản lòng mà tự hứa sẽ cố gắng gấp mười lần vào tháng thứ năm. Lắm lúc Gà Bay phát hoảng với sức vẽ của tôi, hắn bảo:

“Ông vẽ khiếp quá
Một tuần một bức
Toàn chi tiết cỡ này
Đến phục
Mà vẽ thế này thì không ngủ à?”

“Ờ thì ngủ muộn
Có mấy hôm thức khuya quá, đến làm mắt nhắm mắt mở bị sếp chửi té khói
Cơ mà tranh sắp xong, cố làm cho nốt :D”

Không dễ để duy trì lòng quyết tâm ấy, song may mắn cho tôi là có Gà Bay luôn ủng hộ. Một điều nữa là tôi đã tìm thấy những niềm vui trong chặng đường dài dằng dặc ấy. Những niềm vui như thế không phải tự dưng mà có, cũng không phải tự dưng xuất hiện, bạn cần học để tìm thấy nó. Chẳng cần sách vở hay mấy thứ triết lý tầm xàm bá láp, tôi đã học từ một người bạn, biệt danh là Hô.

Nói qua một chút về anh chàng này, Hô học ngành kiến trúc và vừa mới tốt nghiệp. Gã là bạn thằng Xoạch, thằng Xoạch lại chơi với tôi, thế là tôi chơi với Hô. Chúng tôi đặt biệt danh Hô vì hàm răng của gã vừa to vừa có xu hướng lấy công bù thủ. Ngoại hình là vậy còn về tính cách, gã không có gì nổi trội, ngoại trừ hai đặc điểm: thường bỏ quần áo vào tủ lạnh và rất lắm mồm.

Nói về đặc điểm thứ nhất, Hô là dân ngoại tỉnh nên ở trọ, gia đình có điều kiện nên gã được bố mẹ sắm cho một cái tủ lạnh. Gã ở chung với mấy thằng con trai nên cái tủ chẳng mấy khi đựng thức ăn, may lắm thì đựng rượu. Thế là mùa hè, gã vứt quần áo vào tủ, đêm lấy ra mặc cho mát; mùa đông thì tủ lạnh gần như không chạy, gã tống luôn quần áo vào đó vì đồ mùa đông quá nhiều, một tủ đựng không hết. Tôi cứ tưởng đó chỉ là truyền thuyết, ai dè hôm dọn nhà giùm hắn, dòm vào tủ lạnh thì thấy cả lố áo rét nằm ngay ngắn bên trong. Tôi và thằng Choác cười sằng sặc:

– Thế hóa ra truyền thuyết là sự thật à?

Hô cũng là gã lắm mồm nhất hội. Gã sẽ lắm mồm khi có chủ đề làm gã hứng thú hoặc quan tâm, nhất là vấn đề kiến trúc. Hồi mới ra trường, gã nói quá trời về chuyện xin việc. Bọn tôi không nỡ ngắt đài vì gã là dân ngoại tỉnh muốn tìm việc ở Hà Nội, lo lắng cũng đúng. Lo lắng nhiều quá, gã thành ra nói nhiều kinh hồn, kiểu thế này:

– Đang khủng hoảng kinh tế, mấy ngành kiến trúc với xây dựng oải lắm các ông ạ. Bọn công ty kiến trúc cứ chết như rạ ấy! Mấy thằng cùng trường tôi giờ ngồi nhà uống trà đập gián hơn một năm rồi! Mà cái Đan Mạch, không biết nó có tuyển mấy thằng như tôi không nhỉ? Không biết chúng nó có tuyển ngoại hình không nhỉ? Các ông trông tôi thế nào? Có đẹp trai không?

Mỗi lần như thế, bọn tôi được dịp cười sặc sụa.

Công cuộc tìm việc của chàng Hô khá khó khăn và lắm chông gai. Tuy nhiên tôi để ý rằng nụ cười trên gương mặt hắn chưa bao giờ tắt. Sau khi tôi và thằng Xoạch đi làm gần một năm, gã mới tìm được việc. Chúng tôi vẫn nhớ hôm đó, gã gọi cả lũ tới quán café ăn mừng, mồm miệng hú hét không thèm quan tâm đến mọi người xung quanh:

– Tôi kiếm được việc rồi các ông ạ! Hết thất nghiệp rồi! Hết ăn hại rồi!

Kể từ đó, gã không tụ tập với chúng tôi nữa, chỉ đi trà đá café dịp cuối tuần. Mà không phải lúc nào gã cũng đi được vì có khi phải làm cả hai ngày thứ bảy, chủ nhật. Mà hễ gặp, tôi lại thấy gã ngáp ngắn ngáp dài vì mệt. Tuy vậy, nụ cười của gã vẫn tươi rói (lẫn cả hàm răng tươi rói chẳng kém). Gã nói với chúng tôi về công ty, về những điều mới lạ mà gã học được từ đám đàn anh đi trước, những kiến thức khác biệt giữa thực tế và trường học.

Thằng Choác lẫn thằng Xoạch nhiều khi bảo gã tắt loa nhưng tôi thì không, tôi muốn nghe gã nói. Trong thời gian ấy, tôi đang vẽ trở lại và cảm thấy đuối sức trước những lời chỉ trích trên diễn đàn. Tôi muốn biết điều gì khiến anh chàng Hô kia vẫn giữ được niềm yêu thích với công việc, dù nó mệt mỏi và đầy thử thách?

Cho tới một hôm, tôi gặp Hô ở quán café quen thuộc. Tính từ lúc xin được việc tới khi ấy, gã đã đi làm hơn ba tháng. Trong lúc đợi thằng Choác và thằng Xoạch, gã hớn hở khoe với tôi:

– Hôm trước thằng nhà thầu đồng ý cái dự án của tôi rồi ông ạ! Nó xem bản thiết kế một lúc rồi ưng luôn! Ký hợp đồng rồi! Tuần sau là tôi được thưởng!

– Bao nhiêu? – Tôi cười.

– Chắc được hai ba triệu gì đấy, ít thôi! Nhưng mà sản phẩm của mình được người ta công nhận, phải nói “thích không tả được luôn ý”! Mà căn bản cũng do tôi đẹp trai quá nên chắc thằng chủ thầu nó thích.

Tôi cười rần, trong lòng thấy vui giùm gã. Một lát sau, tôi nói:

– Chỗ của ông bóc lột nhỉ? Thứ bảy chủ nhật cũng không tha cho nhân viên hả?

– Lắm việc mà! Với cả mình nhân viên mới, nó bảo gì phải làm đấy thôi. Có thêm thằng làm chân sai vặt, chúng nó chả sướng quá! Nhưng tôi cũng học được nhiều cái. Tốt cho mình thôi!

– Không thấy khó chịu à?

– Cũng có. Nhưng nghĩ nhiều mấy cái đó làm gì? Nặng đầu! Ít nhất thì tôi vẫn được tham gia vào dự án đấy chứ! Hè hè hè!

Không đứa sinh viên mới ra trường nào thích làm chân sai vặt. Có người bỏ đi vì cái tôi quá cao, có người ở lại vì muốn tìm bến đỗ vững chắc. Nhưng tôi thấy Hô không phải hai loại người trên. Gã chấp nhận khó khăn cực khổ vì đam mê với ngành kiến trúc. Tôi hỏi gã:

– Ông thích kiến trúc vậy à?

– Ừ. – Hô trả lời – Tôi thích từ năm lớp 12, lúc đầu vẽ hơi kém, may là thi đỗ.

– Bộ muốn làm kiến trúc sư như Võ Trọng Nghĩa hả?

– Không. Hồi đấy còn chẳng biết Võ Trọng Nghĩa là thằng nào! – Gã nhe răng cười – Năm lớp 12, tôi muốn xây một ngôi nhà mà mình có thể ở trong đó. Đơn giản thế thôi! Rồi có thể tôi sẽ thiết kế một ngôi nhà cho bạn mình ở nữa. Rồi sau này, khi đi qua một công trình nào đấy, tôi có thể chỉ tay vào và nói với con người yêu là “cái nhà này do anh thiết kế”. Hoặc sau này có con, tôi có thể dẫn nó đi rồi chỉ vào cái nhà “bố mày thiết kế đấy, giỏi không con”?

Tôi phì cười trước lý do chọn nghề của gã Hô. Nó đơn giản tới mức hài hước. Tôi hỏi gã:

– Thế bây giờ thì sao? Muốn được như Võ Trọng Nghĩa hả?

– Được thế thì tốt. Nhưng giờ tôi vẫn muốn xây được cái nhà cho riêng mình đã. Mà xây nhà ở cá nhân khó lắm, đâu phải dễ? Để tôi nói ông nghe, nó còn phải hợp phong thủy, bla bla bla…

Tôi chột dạ, trong lòng hơi hối hận vì đào quá sâu môn chuyên ngành của gã Hô. Phải đợi khi thằng Choác và thằng Xoạch tới, gã mới chịu tắt đài. Nhưng cuộc nói chuyện giữa tôi và gã không hề vô bổ. Suốt buổi café hôm ấy, tôi nghĩ về chuyện vẽ, nghĩ về những chuyện mình từng trải qua, nghĩ về tương lai mình sắp đối mặt. Và đến cuối buổi, tôi chợt nở nụ cười khi nhớ lại năm mình 17 tuổi.

Các phần khác: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60