Một ngày nọ, thằng Cuốc rủ tôi về nhà nó để chơi game (tiện thể nó khoe luôn cái máy tính xịn). Sau hai tiếng chơi game đã đời, tôi dắt xe đi về, trong lòng mường tượng ra bức tranh mới. Sẽ không còn phong cảnh yên bình hay chiến binh tạo dáng nữa, tôi sẽ vẽ quang cảnh chiến trường thật máu lửa và khốc liệt. Đương say sưa với những ý tưởng, tôi chợt nhận ra một điều lạ.
Phía trước khoảng chục mét có một cây phượng lớn. Mới tháng mười một, cây chưa nở hoa nhưng tôi mang máng mình đã gặp nó ở đâu đấy. Bần thần một lúc, tôi mới nhớ hồi lớp 9 đã đèo Linh qua con đường này. Như có luồng điện chạy qua não, tôi bèn quay xe và đạp thêm khoảng tám trăm mét nữa thì tới nơi. Nhà của Linh ở đây. Té ra nhà em và nhà thằng Cuốc đều cùng một trục đường. Tôi ngó đồng hồ đeo tay rồi … chờ đợi. Tôi nghĩ tầm giờ này, Linh sẽ đi học về, hoặc nếu học buổi chiều thì em sẽ từ trong nhà bước ra. Nhưng đợi nửa tiếng rồi quá trưa, vẫn chẳng thấy bóng dáng em đâu, tôi đành đạp xe về.
Tối hôm ấy, tôi chống cằm nhìn bông hoa mà Linh từng cài lên mái tóc của tôi. Hoa ép khô, sắc đỏ vẫn rực rỡ như hồi hè tháng năm. Và tôi bắt đầu vẽ, nhưng không phải chiến trường này nọ như tưởng tượng hồi sáng. Tôi vẽ một cây phượng lớn, một ngôi nhà dưới bóng cây phượng và một cô bé gái đang khoác cặp đi học về. Nhà và cây phượng, tôi vẽ được, cơ mà con gái vẽ hơi khó nên tôi hì hục cả buổi tối vẫn chưa xong.
Kiểu này phải mua sách về tham khảo mới được! – Tôi tự nhủ.
Dù vậy, tôi vẫn hoàn thành bức tranh chiến trường khốc liệt kia và đổ màu một cách hoàn hảo. Thằng Cuốc trố mắt và khen tôi vẽ đẹp như mấy bức concept art của nước ngoài (thực ra vẫn còn kém xa lắm). Nhưng còn bức tranh kia, tôi chưa vẽ xong. Tôi không biết nên vẽ cô gái thế nào và càng không biết nên đổ màu thế nào cho đẹp. Và để tìm kiếm ý tưởng, mỗi ngày, tôi lại đạp xe qua con đường ấy, đến nỗi thằng Cuốc phải hỏi:
– Đi đường này à? Tôi tưởng ông đi đường kia thì về nhà nhanh hơn chứ?
– Ờ thì về cùng ông cho vui, không thích à? Có thằng bạn quan tâm mà khinh hả?
– Khinh kẹc! – Thằng Cuốc nói – Hồi trước ông bảo đi về đường này mỏi chân mà?
– Bây giờ tôi thích đi cùng ông! Ý kiến giè?
Sau khi tạm biệt thằng Cuốc, tôi đạp xe nhanh hơn và lúc gần tới nhà Linh, tôi lại đạp chậm hơn một chút. Tới nơi, tôi dừng xe ở một chỗ kín đáo và đợi chờ Linh xuất hiện. Chỉ cần thấy em, bức tranh của tôi sẽ hoàn thành. Song lần nào cũng thế, tôi phải ra về với một chút thất vọng. Nhưng chẳng sao, tôi sẽ vẽ bằng trí tưởng tượng của mình. Tôi sẽ tặng em bức tranh ấy nhân ngày sinh nhật.
Đó sẽ là một bức tranh ngày hè, một cô bé khoác cặp đi học về, còn bên kia đường có một anh chàng đang chống cằm trên ghi đông xe đạp và chờ đợi cô bé dưới cây phượng đỏ rực.
Nhưng tôi thực sự không biết em có nhận được nó hay không. Bởi sau này em chẳng bao giờ nhắc về món quà đó. Và nó là cả một câu chuyện dài…
…
Cuộc sống năm lớp 10 của tôi cứ bình lặng như mặt hồ yên ả ngày thu. Tôi không định và cũng không muốn tạo một dấu ấn nào đó cho thời trung học phổ thông. Thằng chọi con Tùng “Teo Tóp” cấp hai đã ở lại với quá khứ, nó không muốn đồng hành cùng tôi nữa. Mất thằng chọi con đó, tôi bớt nghịch ngợm trên lớp và dần thu mình lại. Nếu phải sống như một cái bóng trong lớp cho đến hết thời cấp ba, tôi cũng không phiền. Được cầm bút vẽ, được mỗi ngày chờ đợi trước cổng nhà Linh, với tôi đã là quá đủ.
Nhưng cuộc sống còn nhiều điều thú vị hơn thế. Thu mình trong vỏ ốc chẳng khiến bạn hiểu mình hơn mà ngược lại. Rất may là những điều thú vị và cả phiền toái, chúng đều tự tìm đến tôi.
Nhờ cái máy tính xịn cộng thêm Internet, thằng Cuốc được bạn bè nhờ vả liên tục (chủ yếu là bè, bạn chẳng được mấy). Khi thì đĩa game, khi thì hình ảnh tư liệu làm bài tập, khi thì download nhạc; ngày ấy đường truyền mạng chưa nhanh, download nhạc khá khó khăn, do vậy thằng Cuốc trở thành hotboy trong mấy cái vụ này. Trong số đám bạn bè nhờ vả đó có một thằng biệt danh là Sĩ, lắm khi bị gọi trại đi là Đĩ. Cái biệt danh ấy có một lịch sử dài dòng và chính nó ảnh hưởng tới quan hệ bạn bè của chúng tôi về sau này.
Không rõ thằng hẹo nào gọi nó là Sĩ và vì sao gọi thế, nhưng đại thể trong mọi vấn đề, thằng Sĩ luôn tỏ ra mình giỏi giang hơn người khác. Chơi game thua nó, nó bảo nó giỏi hơn; chơi game thắng nó, nó bảo do may rủi hoặc hôm ấy… nó bị nhức đầu. Học hành cũng vậy, nó luôn tâm niệm “điểm thấp là do thiên tai, điểm cao là tại thiên tài Sĩ ta”. Thằng Sĩ không khinh thường người học kém hơn, cũng chẳng tị nạnh đứa học giỏi hơn, nhưng đừng bao giờ khoe điểm cao trước mặt nó, bởi lẽ nó sẽ ngay lập tức ca bài này:
– Này, chẳng qua tao không thèm học thôi nhé! Mà điểm cao thì làm sao? Mày có chắc đỗ đại học không? Mày có chắc sau khi ra trường giàu hơn tao không? Đợi lúc ấy hẵng nói nhé!
Nó nói không sai, từng lời từng chữ ịn vô mọi trường hợp đều ra nghiệm đúng. Nhưng bởi cách nói trịch thượng, cộng thêm bản tính mỗi khi cãi nhau là không chịu thua ai, thành ra nó bị lắm thằng ghét. Biệt danh “Sĩ” từ đó mà ra – tôi đoán thế. Nhưng thằng Cuốc khẳng định thằng Sĩ bị ghét vì… đẹp trai và nó bị gọi là “Đĩ”, không phải Sĩ.
Thằng Sĩ bảnh nhất lớp, lại khá chăm chút quần áo đầu tóc nên đứa con gái nào cũng khoái tấp vô nó. Con gái cấp ba chẳng thích những thằng hay bày trò hay nghịch ngu nữa, muốn thu hút chúng nó, “bảnh” là yếu tố tiên quyết. Biết mình là tâm điểm thu hút lũ sư tử cái, thằng Sĩ đâm “chảnh”. Chảnh từ kiểu đi đứng với bản mặt chếch lên trời một góc 45 độ, chảnh từ cách nói năng trịch thượng, chảnh trong việc lựa chọn dầu gội sữa tắm sao cho mềm tóc bóng da; nó chảnh trong mọi hoàn cảnh! “Bảnh” là một cái tội, “chảnh” là trọng tội, thu hút lũ con gái lại càng bất dung thứ, vì thế đa số lũ con trai ghét thằng Sĩ.
Nhưng vì khoái điện tử, thằng Sĩ kết thân với thằng Cuốc và bằng một cách nào đó, nó kết bạn luôn với tôi. Cơ mà tìm một cái lý do khiến tôi thân quen thằng Sĩ cũng thật khó. Tôi không bảnh như nó, không có máy tính xịn như thằng Cuốc, vậy tại sao tôi quen nó? Chắc là nói chuyện hợp nhau! – Tôi đoán thế. Tin tôi đi, bạn không thể nhớ mình và thằng bạn bắt đầu quan hệ hay nảy sinh tình cảm từ khi nào đâu! He he, chớ nghĩ bậy, chớ nghĩ bậy!
Tôi không phàn nàn nhiều lắm sự “bảnh” và “chảnh” của thằng Sĩ. Đẹp trai xinh gái tùy thuộc khâu sản xuất và chế biến, chảnh hay không là bản tính mỗi người. Những thứ mà thằng Sĩ khiến đứa khác ghét, tôi lại cảm thấy thú vị. Và bởi chấp nhận tính cách khó chiều của nó, tôi đã gặp nhiều chuyện đáng nhớ trong một thời kỳ mà cứ ngỡ là tẻ nhạt vô cùng.
Ở tuổi mười sáu ẩm ương thích chơi trội ưa cãi bướng, duy trì quan hệ bạn bè dễ vô cùng mà cũng khó vô tận. Cũng giống cấp hai, ba thằng chúng tôi đi chơi điện tử cùng nhau, trốn học thêm cùng nhau và ăn vặt cùng nhau. Và như mọi lần, thằng nào thiếu tiền hoặc không có tiền sẽ được giúp đỡ hoặc bao thầu. Tuy nhiên, rắc rối lại nảy sinh từ đó.
Thời ấy, thị trường game bước vào giai đoạn cực thịnh, hàng net mọc lên như nấm. Nội mấy con phố loanh quanh trường đã có hàng chục tiệm net với tấm biển quảng cáo “ADSL tốc độ cao”. Bất kể sáng, trưa, chiều hay giờ cao điểm, các quán net đều có khách. Bọn nhãi cấp hai, lũ chọi cấp ba, đám sinh viên đầu tóc rối bù, dân công sở đứng đắn, tất cả đều có mặt ở hàng net. Tất cả đều điên cuồng trong cơn bão game online, mà đỉnh cao là bộ môn Võ Lâm Truyền Kỳ. Đâu đâu cũng nghe thấy tiếng bàn tán môn phái nào trong game hay nhất, mấy vật phẩm ảo xanh đỏ tím vàng kinh khủng ra sao, mấy giờ ghi danh đi chiến trường Tống – Kim. Nhà nhà Võ Lâm, người người Võ Lâm nên ba thằng chúng tôi cũng đâm đầu vào Võ Lâm. Tiền chơi net thuở đó đã lên bốn “cành” một tiếng (4.000đ/h), vậy là ba thằng chúng tôi nhịn ăn sáng đồng thời xin xỏ bố mẹ, nào đóng tiền vệ sinh, nào mua quà sinh nhật (đến nỗi các cụ hỏi sinh nhật gì lắm thế). Kiếm được lý do nào nghe xuôi tai, chúng tôi bịa tất.
Và khi đã cuốn mình vào game, thật khó để kìm hãm nó lại. Ba thằng chúng tôi luôn trong tình trạng đói game, bao nhiêu thời gian cũng không thỏa mãn cơn đói và hễ lúc nào gần về, một trong ba thằng sẽ hót bài ca “Năm phút”. “Năm phút nữa! Năm phút nữa thôi!” – Nghe quen chứ? Năm phút lần một, rồi năm phút lần hai, cuối cùng là năm phút lần thứ mười hai, bao giờ cũng một kịch bản như thế! Tỉ dụ như một lần nọ, chúng tôi ngồi ở quán net đến bảy giờ tối mới nhấc mông về. Lúc ra tính tiền, ba thằng mặt nghệt ra vì tiền chơi vượt xa dự toán. Màn cắt chỗ nọ vá chỗ kia bắt đầu:
– Đập Muỗi, cho tao một nghìn đi mày! – Thằng Sĩ nói.
– Đóng Muối, tao cũng thiếu một nghìn! – Thằng Cuốc nhăn mặt, tay lần hết túi quần dài lẫn quần đùi. Tôi thấy thế bèn nói:
– Đây, tao trả cho bọn bay!
Và tôi rút hai nghìn trả giùm bọn nó. Bữa sáng hôm sau của tôi thay vì gói xôi xéo no nê là cái bánh mì kẹp tí chả “bửn bửn” dưới căng tin. Gọi “bửn bửn” không phải do miếng chả mất vệ sinh, mà bà già chủ căng tin thái chả mỏng bay, lá lúa phải gọi bằng bố. Bánh mì bé tí, nhét được hai miếng “bửn bửn” bán với cái giá bốn cành! Nếu muốn cải thiện bữa ăn, bỏ thêm hai nghìn nữa để mua cái nem chua rán kẹp giữa nhé! Thằng Cuốc và thằng Sĩ thảm hơn khi không có cái nhét vào mồm. Tuổi mười sáu mà sáng ra chẳng có gì nhét vào mồm thì ngang thảm họa. Thấy bạn mình vêu mõm, tôi định chia ba cái bánh. Nhưng hai thằng biết ý, chỉ cắn một miếng cho dính ruột rồi uống nước lọc lấp bụng. Thằng Cuốc thở than:
– Đập Con Muỗi, tôi thề là đếch chơi đến bảy giờ nữa ông ạ, thọt tiền quá!
– Đánh Con Mèo là chuẩn ông ạ! – Thằng Sĩ nói với tôi rồi lại quay sang thằng Cuốc – Nhớ nhé, tao với mày không chơi quá bảy giờ nữa! (Hai thằng xưng “ông, tôi” với tôi, còn chúng nó “mày, tao” với nhau)
Tôi gật gù tán thành:
– Ờ, ờ, thống nhất là vậy! Hôm qua về muộn, bà già tế tao ầm nhà, điếc cả tai!
Ba thằng mặt mũi phừng phừng hai chữ “quyết tâm”, chẳng kém cạnh bộ mặt của hảo hớn Lương Sơn Bạc khi cắt máu ăn thề. Nhưng ngay hôm sau, dớp cũ lại tái diễn, chỉ khác là lần này đổi vai: thằng Sĩ trả giùm bọn tôi và nó phải xơi món bánh mì “bửn bửn” vào sáng hôm sau. Nó rất hào phóng khi bẻ cái bánh làm ba (dĩ nhiên phần của nó to hơn xíu), chia cho tôi và thằng Cuốc, sau nói một cách rất chảnh:
– Ăn đi bọn bay! Anh em là phải giúp đỡ nhau lúc hoạn nạn!
Tôi và thằng Cuốc phì cười. Song không thể phủ nhận rằng nhờ những lần giật gấu vá vai này, quan hệ giữa ba thằng dần khăng khít hơn. Chân lý thứ nhất: tình bạn thể hiện lúc đói khổ, không phải lúc no.
Chúng tôi không bao giờ đòi thằng này trả thằng kia hoặc phải bao theo nghĩa vụ. Nhưng hễ cãi nhau là vấn đề tiền nong lại nảy sinh, thường thường do thằng Sĩ và thằng Cuốc khơi mào. Hai thằng hẹo này rất hay đấu khẩu nhau. Chơi game thua: cãi nhau, điểm cao điểm thấp: cãi nhau, không vấn đề gì để cãi nhau: cãi nhau tiếp. Dường như chúng nó sinh ra là để tham dự môn mồm to mồm khỏe, còn tôi sinh ra để làm trọng tài cho chúng nó. Quái gở ở chỗ mỗi khi cãi nhau, một trong hai thằng luôn tổ lái về vấn đề tiền bạc. Tỉ dụ thế này:
– Tao đã bảo là mày cứ ném giấy qua là được. Con mụ… (tên giáo viên) lúc ấy đang quay đi, sao mày không ném? – Thằng Cuốc gân cổ cò.
– Ném cái búa! Mụ… (tên giáo viên) đứng ngay gần đấy, ném bài cho mày để chết tao à? – Thằng Sĩ co cổ ngỗng.
– Mày bị ngu à? Bà ấy mãi tít cửa sổ, còn đang mải nghe điện thoại, thế mà gọi là gần à?
– Có mày ngu ấy! Ai mà biết bà ấy có quay lại hay không?
– Thế tao mới bảo là ném xuống dưới chân! Ai bắt mày quẳng lên không trung đâu? Mày cứ vờ như là rơi bút rồi ném cho tao!
– Tao đếch biết! Mà sao mày không học đi? Cái bài đó dễ chứ có gì đâu?
– Tao đã nói tao ngu phần đó! Sao mày không hiểu nhỉ? Nhờ một chút cũng không được! – Thằng Cuốc thở phì phì vẻ khó chịu.
– Mày phàn nàn đếch gì? Mà cái gì nhờ không được cơ? Lần trước mày thiếu tiền chơi điện tử, tao cho mày vay một nghìn còn gì nữa?
– Này! Tao “xin” mày chứ “vay” mày hồi nào? Mày bảo mày cho mà!
– Tao bảo cho bao giờ? – Thằng Sĩ nói.
– Rõ ràng mày bảo là “cho”! Này, lúc ấy chính mồm mày nói là “cho” mày”! Ê, Tóp, ông coi tôi nói đúng không?
Thằng Cuốc liền quay sang tôi tìm kiếm đồng minh. Lập tức thằng Sĩ cũng nhào vào tôi và liến thoắng:
– Ông nói xem, ông đứng gần tôi mà! Rõ ràng tôi bảo cho nó vay, đúng không?
Thực sự thì hôm đó, tôi mới “thửa” được món đồ hoàng kim trong Võ Lâm nên sướng rơn, chẳng biết hai thằng bạn hục hặc chi nữa. Một tuần rồi một tháng, hễ cãi nhau, hai thằng chúng nó lại so đo tiền nong và tôi trở thành trọng tài bất đắc dĩ. Sau cùng, bị hai cái mồm tẩn qua đá lại mãi, tôi gào lên:
– Con bà chúng mày! Lần sau chơi, thằng nào thằng đấy tự trả!
Từ đấy về sau, ba thằng đi chơi hay đi ăn đều tự trả tiền phần của mình. Thằng Cuốc và thằng Sĩ đến hết thời cấp ba vẫn chẳng nhường nhịn nhau và hễ cãi vã, câu chuyện một nghìn thuở nào lại được khui ra. Tôi học được chân lý thứ hai: đừng để tiền xen quá nhiều vào tình bạn.