Nhưng thời gian chẳng chờ đợi ai. Đợt thi học kỳ kết thúc chóng vánh như muốn đá đít lũ học sinh khỏi trường cấp hai càng nhanh càng tốt. Nhờ may mắn ôn đúng tủ, bài thi môn hóa học của tôi đạt điểm cao ngất. Cuối năm, tôi nhận bằng khen học sinh giỏi trong sự ngỡ ngàng của vài đứa vốn ghét mình. Chúng nó thủ thỉ tôi gian lận thi cử nên mới được kết quả ấy.
Cuộc sống không hoàn toàn như ý và bạn phải chấp nhận nó. Ban đầu tôi tức lắm, nhưng sau cho qua. Chỉ còn mấy ngày đi học, không nên tốn calo cho chửi nhau và bất hòa. Giống các bậc đàn anh, trong hai tuần đi học cuối cùng, tôi hì hụi khắc dấu ấn bản thân lên mặt bàn, lên cửa sổ bằng chiếc compa. Đại khái như “Teo Tóp đã ở đây” hoặc “Teo Tóp was here”. Những chiếc bàn đẹp đẽ thuở nào giờ chi chít hình trái tim, “Hằng ơi, I love you”, “Anh đã ở đây”, “Cô giáo Thảo” và vô số hình vẽ tục tĩu bằng compa hoặc bút xóa.
Có thằng còn cẩn thận khắc bài thơ “Chân đi chữ bát…” nhằm truyền bá cho thế hệ sau. Lũ con gái thi nhau viết lưu bút, còn tụi con trai cố gắng đi chơi điện tử được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Chúng tôi cố gắng bớt xích mích, bởi lẽ chẳng đứa nào muốn kết thúc cuộc đời cấp hai trong sự nóng giận hoặc cãi nhau. Tôi cũng dành nhiều thời gian nói chuyện với Linh hơn. Giữa chúng tôi không bao giờ hết chuyện, song cả tôi lẫn em đều lảng tránh câu chuyện ở lăng Bác.
Rồi ngày bế giảng diễn ra. Bọn lớp 6, 7 và 8 vui như hội; còn lũ cuối cấp hơi buồn. Chia tay bạn bè ở tuổi mười lăm không phải chuyện dễ chịu. Sau đó, nhà trường quyết định dành riêng một ngày vui chơi cho khối 9, nhưng là sau kỳ thi tốt nghiệp.
Hai tuần sau lễ bế giảng, kỳ thi tốt nghiệp diễn ra khắp thành phố. Tôi phải thi ở một ngôi trường cách đó bốn cây số, Linh thì thi ở quận khác, còn thằng Choác chẳng đi đâu xa mà thi ngay tại trường cấp hai. Lần ấy mẹ đèo tôi đi thi vì không muốn bất cứ chuyện gì xảy ra trên đường. Nói chung thi tốt nghiệp cấp nào cũng thiếu nghiêm túc như nhau, quay bài hỏi bài đủ cả, thành thử tôi thấy công sức ngốn ba trăm trang môn ngữ văn chẳng xứng đáng. Dù vậy, tôi cũng không hỏi bài hoặc quay cóp. Chẳng phải tôi đạo đức hoặc ngoan ngoãn gì, mà vì bài thi khá dễ so với những bài kiểm tra khó kinh hoàng ở lớp chọn, không làm được họa là thằng ngu.
Sau ngày thi cuối cùng, toàn bộ học sinh khối 9 đến trường và cùng ăn chung với nhau một bữa. Chúng tôi vừa ăn, vừa nói chuyện, vừa chửi bới nhau tung trời. Ăn xong, cả lũ thi nhau ném bóng nước và bắn giấy trên sân trường rải đầy hoa phượng đỏ, riêng lớp tôi lại chơi trò đuổi bắt thần thánh. Khắp các lớp học, những chiếc đài đua nhau mở nhạc Linkin Park. Ngày ấy, đa phần tụi nhỏ đều mê ban nhạc này. Kỷ nguyên của Nu metal, kỷ nguyên của những thằng trẻ trâu thế hệ 90 đã sống những ngày cuối cùng như thế.
Cuộc vui của lớp tôi vẫn chưa kết thúc. Tới chiều, cả lũ lại rủ nhau ra lăng Bác, gần như không thiếu sót đứa nào. Những chiếc xe đạp rong ruổi theo từng con phố, đứa nào đứa nấy đấu láo vung vít và chẳng quan tâm tới người đi đường xung quanh. Tôi đèo Linh, em ngồi phía sau mở đĩa của Foo Fighters (ngày ấy máy nghe nhạc CD còn rất phổ biến), em đeo phone bên phải, tôi đeo phone bên trái. Giai điệu ồn ã của những bản nhạc rock làm tôi đạp nhanh hơn. Khi chạy đến lăng Bác, track thứ tư “Times like these” cất lên, và… lạ quá, Linh đang hát! Dù đang đeo phone, nhưng tôi có thể nghe rõ tiếng em chen lẫn vào giọng hát của tay vocal:
I…
I’m an one way motorway
I’m the one that drives away
Follows you back home…
Tôi ngỡ ngàng. Em hát hay quá! Bài này rất khó hát vì là giọng nam, lại còn là nhạc rock, tôi từng thử hát song luôn trật nhịp lệch điệu. Nhưng em hát rất chuẩn, phát âm tiếng Anh cũng chuẩn. Tôi buột mồm:
– Hát hay ghê mày?
Em cười:
– Ừ! Ngày bé tao muốn làm ca sĩ lắm, nhưng mẹ bảo ca hát chẳng có tương lai gì cả!
– Nhưng mày hát hay thật mà! – Tôi nói – Sao không thử xem?
Em lắc đầu:
– Người lớn chẳng ai hiểu đâu!
Tôi gật gù cảm thông cho nỗi khổ của em. Em lại tiếp tục ngân nga giai điệu, từng nốt nhạc lăn theo bánh xe đạp:
I…
I’m a little divided
Do I stay or run away
Leave it all behind?
– Linh này… sao mày lại thích nhạc rock? – Tôi hỏi.
– Sao? Con gái thích nhạc rock lạ lắm à? – Linh nói.
– Ờ, hơi lạ!
– Ờm… nói sao nhỉ? Vì tao thấy nó thật tự do, không bị ràng buộc bởi thứ gì cả!
Tôi đạp chầm chậm và tụt dần so với lũ bạn. Ngay lúc này, “Times like these” hay hơn bao giờ hết. Phải chăng em đã có dụng ý từ trước khi bảo tôi nghe ban nhạc này? Hay tất cả chỉ là vô tình?
Em đã có câu trả lời rồi.
Em muốn sự tự do và không ràng buộc.
Tôi ngửa mặt nhìn bầu trời trong vắt không gợn mây. Trái tim tôi hình như đâu đấy mãi tít trên kia và tôi không thể tìm thấy nó. Nếu em trả lời khác, tôi đã có thể tìm thấy. Nhưng không, em đã vô tình giấu đi trái tim của tôi và bắt tôi phải đi tìm. Linh không thấy gương mặt trống trải của tôi và em vẫn vô tư hát:
It’s time like these you learn to live again
It’s time like these you give and give again
It’s time like these you learn to love again
It’s time like these time and time again
Tôi phải chấp nhận sự thật rằng mình sẽ học cấp ba mà không có Linh. Tôi sẽ học lại cách hòa nhập trường mới, tìm bạn mới, học lại cách yêu một cô gái. Mọi thứ đều quay trở lại điểm xuất phát. Linh chấp nhận sự reset ấy và em vui vẻ bước tới tương lai. Con gái biết chấp nhận hoàn cảnh, không như lũ đàn ông ngoài mặt tỉnh bơ mà bên trong vẫn níu kéo hoài niệm như tôi đây.
– Ê, mày nói tiếng Anh đa nghĩa đúng không? – Tôi hỏi Linh.
– Ờ, một câu có rất nhiều nghĩa! Nhưng sao mày hỏi thế?
Tôi mỉm cười. Tôi nghĩ mình đã thay đổi, nhưng rốt cục tôi vẫn chỉ thằng trẻ trâu năm lớp 7, không hơn không kém. Nhưng đó là điều thú vị nhất mà tôi từng trải qua. Thật!
Nếu được, tôi muốn sống như vậy lần nữa.
Nếu được, tôi muốn hết mình như vậy lần nữa.
Nếu được, tôi muốn yêu như vậy lần nữa.
Nếu được, tôi muốn thời gian này là mãi mãi.