– Em ơi! Đi học, trễ giờ rồi!
Tôi đứng trước cửa nhà ngoại em gào to lên. Từ dạo nọ, em và cô chuyển hẳn sang đây. Cũng hơi xa nên lúc đầu em đi học trễ hoài, thậm chí có bữa trễ quá phải nghỉ học, nên cô nhờ tôi sáng sáng chở em đến trường. Quãng đường hơi xa, tôi phải dậy sớm, nhưng không sao, giúp được em hay cô, đó cũng là chuyện nên làm. Mà cũng lạ, kể từ sau hôm đó, em lúc nào cũng buồn buồn, không còn cười nói như trước nữa, nghĩ mà thương cô và em thật.
– Anh nói nhỏ thôi, hàng xóm la bây giờ.
Em lườm tôi một cái rồi leo lên xe, tôi gãi đầu nhìn em cười rồi nổ máy. Cũng còn sớm, ghé đi ăn sáng thôi, gọi là ăn sáng cho oai chứ thực chất em và tôi chỉ mua hai ổ bánh mỳ, em dạo này tiết kiệm lắm, không bao giờ dám đi tới mấy chỗ quán xá như thường lệ, chỉ bánh mỳ hay thỉnh thoảng là cơm nguội hôm qua chiên lại, tôi cũng không biết làm gì hơn, trông có vẻ như cô và em đang tự hành xác mình vậy, mặt mày em hốc hác lắm. Cô thì ngoài đi dạy trên trường còn phải chạy show đi dạy thêm ở rất nhiều trung tâm gia sư, lương giáo viên ba cọc ba đồng (dù cô là giáo viên thâm niên đi chăng nữa!) làm sao mà lo nỗi cho hai miệng ăn, còn cả học phí của Uyển Văn nữa chứ!
Chở em đi mà đôi khi tôi còn nghe được tiếng em thở dài thường thượt sau gáy, nắm chặt tay em lại, an ủi em và tiếp tục lên đường. Không hiểu chuyện nhà em tại sao lại đến tai ba mẹ tôi nữa? Hồi tối hôm qua, song thân đang ngồi uống trà ở ngoài sân, nhác thấy bóng tôi vừa dắt xe vào nhà, mẹ tôi đã gọi giật lại.
– Nhà cô có chuyện hả con?
– Dạ!
– Ừ! Tội con nhỏ quá, đang có cha có mẹ đàng hoàng, vậy mà!
– Rồi giờ cô với con Văn ở đâu?
– Nhà ngoại!
– Trưa nó đi học về ăn uống ở đâu?
– Dạ cơm hộp.
– Sao vậy?
– Trường xa quá!
Thế là mẹ tôi chửi tôi một trận, con gái người ta chứ có phải giống mày đâu mà ăn ngoài đường ngoài xá hoài được, trưa về nhà mình ăn. Tôi nghĩ mà cười méo xẹo, tôi nằm vùng ở nhà hơn 20 năm mà còn chẳng có cái diễm phúc trưa nào cũng được ăn cơm mẹ tôi nấu nữa là Uyển Văn, có trưa nào mẹ tôi ở nhà đâu. Nhưng tối hôm đó, bà cũng hì hục xuống bếp nấu đồ ăn, chắc là cho trưa mai, hai ông anh của tôi lâu lâu hay lượn lờ xuống bếp, chờ mẹ không để ý canh phòng là nhón tay ăn vụng. Tất nhiên mẹ tôi chỉ làm được có vài bữa đầu, thời gian còn lại thì bữa đực bữa cái nên hai đứa buồn tình lại lấy đồ hộp rệu rạo nhai như bò nhai rơm.
Lúc đầu Uyển Văn còn ngại lắm nhưng sau này do hai nhà đã quá thân thiết nên em cũng bớt phần e dè, thỉnh thoảng vẫn chọc ghẹo nhau một chút, hôn một chút và đôi khi nổi hứng lên, em còn trổ tài nội trợ sáng tạo ra rất nhiều món ngon, tất nhiên là nếu buổi chiều hôm đó em được nghỉ. Còn tôi, ăn cái gì cũng được, chợt thèm ăn món Hạnh nấu mà chắc là còn lâu lắm mới được ăn đây.
…
Như các bạn đã biết, tôi không thể nào mà không dành toàn bộ thời gian cho Uyển Văn. Mà có thể sẽ có người thắc mắc: Tại sao tôi gọi tên em là Uyển Văn thay vì ngắn gọn là Văn như cái cách tôi gọi Hạnh. Trả lời đơn giản thôi: Tôi thích thế. Cái tên Văn cộc lốc nghe có vẻ nam tính quá, lót thêm chữ Uyển, cái tên em nghe mềm mại và nữ tính hơn nhiều. Mà thôi có lẽ hơi lố sang chuyện khác rồi. Vào lại vấn đề chính thôi! Như đã nói, tôi dành thời gian bên Uyển Văn rất nhiều, và như thế vô hình chung, những lần hẹn hò của tôi và Hạnh và nhất là Kim Anh càng rút ngắn lại. Biết làm sao được, tôi nào có muốn thế.
– Anh ơi qua nhà em ăn cơm! – Hạnh.
– Anh bận.
– Sáng mai đi ăn sáng với em! – Kim Anh.
– Anh bận.
– Chừng nào anh rảnh?
– Tối!
Thế đấy, bây giờ tôi mới biết là tay Kim Dung viết truyện xạo, tôi chỉ có ba người đẹp thôi mà không còn một chút thời gian rảnh rỗi nào chứ nói chi là tên Vi Tiểu Bảo có tới bảy bà vợ, vậy mà hồi nhỏ làm tôi thần tượng, hức. Nhưng không thể nào mà hát bài ca con cá được, ráng nhín chút thời giờ mà qua nhà Hạnh hay lên trường nộp thịt cho Kim Anh thôi. Hạnh trước đi!
– Anh chờ em dài cổ rồi người đẹp!
– Cho anh chờ tới già luôn! – Hạnh cười.
Lịch trình cũ: đi chơi, đi ăn rồi đi… đâu đó. Xong nhiệm vụ thì về nhà gọi điện nhắn tin, căng mắt ra để tránh nhầm lẫn. Mai đi học, chắc ngồi tám với Kim Anh một chút vào giờ ra chơi…
Mệt mỏi, đó là những gì tôi cảm thấy lúc bấy giờ, tôi không rõ mình đang muốn gì nữa đây, hằng ngày phải giả bộ cười nói, giả bộ quan tâm chăm sóc. Thú thật, ở bên cạnh Kim Anh tôi còn có chút yên bình, còn bên Hạnh hay Uyển Văn, tôi lúc nào cũng lo sợ. Lo sợ Hạnh biết, lo sợ Uyển Văn buồn, lo sợ cả cho chính bản thân mình. Nỗi nỗi sợ mơ hồ bám lấy tâm trí tôi, nó như một bóng ma suốt ngày lảm nhảm bên tai những lời nói đe dọa, nó như một cơn ác mộng mà đêm nào tôi cũng trải qua.
Tôi chán tất cả lắm rồi, tôi chỉ muốn đi thật xa, xa khỏi tất cả, xa khỏi chính bản thân mình. Cảm giác bất lực quá! Nó như là bạn bị bắt ép làm cái gì đó mà bạn chẳng muốn làm ấy, nhưng vẫn phải tiếp tục, tên bắn ra rồi thì nào có thu lại được. Tôi ngu dốt thật, bây giờ tôi mới thật sự hiểu câu nói: ”Mày bắn vào quá khứ một viện đạn súng lục thì tương lại sẽ dội lại vào bản mặt mày một quả tên lửa to đùng”, đại loại thế, tôi không rõ lắm. Chỉ biết là bây giờ tôi cần có một không gian yên tĩnh cho riêng mình, một nơi nào đó thật xa lạ để tôi nghỉ ngơi, ngồi một chỗ mà thưởng thức ly cafe hay phì phèo điếu thuốc, liệu nó có quá cao sang chăng? Chắc là vậy, dạo này tôi ít có thời gian để ngao du sơn thủy hay ngắm ánh hoàng hôn đang từ từ khuất dạng sau mặt biển phẳng lặng nựa. Tôi thèm cái cảm giác tự do ấy lắm. Chuẩn bị lên đường thôi! Nhưng phải chờ để tiễn ông cả đi tu nghiệp nữa chứ.
Thấp thoát đã tới ngày ông cả cùng vợ ổng (tôi chả hiểu tại sao có mặt bà chị dâu quý hóa trên máy bay nữa) đi tu nghiệp. Cả nhà ra sân bay đưa tiễn, anh em bắt tay nhau chúc ổng may mắn, mẹ thì khóc, nói ổng qua đó ráng giữ gìn sức khỏe. Sau bữa đó, tôi trốn nhà đi chơi, chắc là vài ngày, cứ men theo quốc lộ, tới đâu thì tới coi như là “lang thang vô định”… Mưa vẫn rơi rả rích (đoạn này tôi thêm vào cho nó thêm phần ảo!), con đường xa hun hút và một kẻ đang lang thang trên đó với một tâm trạng bồi hồi khó tả, không hẳn là đi du lịch, có thể là đang chạy trốn, chạy trốn chính bản thân mình hay đang tôi đang đi để tìm một câu trả lời cho câu hỏi định mệnh: Tôi phải làm gì đây?
Người lữ hành đúng nghĩa là người đi chỉ vì được đi, trái tim không hề vương vấn như mây bay gió thổi, anh bước theo số phận của mình. Cớ gì phải có lý do, chỉ cần một tiếng hô: Lên đường đi nào.