10h sáng thức dậy, nhìn điện thoại, hơn mười mấy cuộc gọi nhỡ và vài tin nhắn của Uyển Văn. Ngao ngán thật, tôi còn chẳng thèm xem, xuống dưới nhà đánh răng súc miệng, thấy mình có vẻ hơi oải, hôm qua ngủ trễ quá quên cả đi uống cafe rồi, chắc ông chủ quán thắc mắc lắm đây. Cả nhà vắng tanh chỉ còn mẹ tôi đang ngồi dưới nhà, bà nhìn tôi từ đầu tới chân.
– Làm gì hôm nay con nhìn xìu xìu vậy út! Bệnh phải không? Ngồi xuống mẹ khám cho.
– Hôm nay con dậy hơi trễ nên mệt chút thôi.
– Nhớ chiều qua nhà cô đó, qua sớm một chút không cô với Uyển Văn đợi! Lấy chai rượu trong phòng khách mang theo biếu nhà cô luôn.
– Dạ! Con nhớ rồi mẹ.
– Hỏi thăm nhà cô giùm mẹ luôn!
– Vậy chiều nay mẹ không đi à?
– Hôm nay bệnh viện đông quá, ba với hai anh con chắc trực tới mai, mẹ ngồi một chút rồi cũng đi luôn. Có đi đâu khóa cửa cẩn thận.
– Dạ.
– Nấu mỳ ăn đỡ đi! Hôm nay nhà không nấu cơm.
– Dạ.
Nói xong mẹ tôi lấy giỏ xách và tấm áo blouse bước vội ra khỏi nhà, đành nấu đỡ gói mỳ ăn vậy. Khi đói quả thật cái gì ăn cũng ngon, sạch sẽ không còn miếng nước, thấy hơi lạt miệng, lấy cafe ra pha vậy, cafe thơm và ngon thật, người họ hàng đi Đak Lak mang cho mấy ngày trước. Nhâm nhi ly cafe đọc báo vào lúc 10h sáng có vẻ hơi trái khoáy, nhưng biết làm gì cho đến chiều bây giờ, coi phim cũng chán, chắc lại ngủ tiếp.
Uyển Văn gọi…
– Sáng giờ em gọi sao không bắt máy!
– Tối qua anh ngủ trễ.
– Bận với con nào mà ngủ trễ vậy anh?
– Anh làm gì kệ anh!
– Tôi có quyền hỏi!
– Còn trả lời hay không là quyền của anh!
– Anh dám nói với tôi như vậy à? – giọng em rất giận, chợt ngớ người ra, hình như mình hơi quá đáng.
– Cho anh xin lỗi, hôm nay anh mệt trong người.
– Khỏi!
Nói xong em tắt máy, tôi cũng mệt thật rồi nên không năn nỉ làm gì, nằm ra giường, bật một bản nhạc lên nghe, nhấp ngụm cafe thơm lừng, giận hồi cũng hết, chiều qua năn nỉ là xong với lại đầu tôi giờ cũng trống rỗng chẳng muốn làm gì. Mấy bài nhạc của ba nghe cũng hùng tráng lắm, chủ yếu mấy bài nhạc đỏ, trong đó tôi thích nhất là bài “Những đôi mắt mang hình viên đạn”, nghe hào hùng quá, nhạc sĩ viết bài này cũng thật là tinh tế. Mồi điếu thuốc vừa hút vừa ngắm nghiền mắt lại coi như hôm nay trầm tư ngẫm sự đời. Điện thoại lại reng, định không bắt máy, số của cô.
– Em làm gì mà con Uyển Văn nhà cô khóc lóc nằm lỳ trong phòng vậy?
– Chết cha! Tụi em có cãi nhau chút xíu không ngờ…
– Em qua nhà cô nhanh đi!
– Dạ ! Em qua liền.
Tôi vội vã thay quần áo, lấy chai rượu, khóa cửa nẻo lại rồi đi ngay tới nhà em vừa đi vừa tự trách mình, ngu thật. Do vội quá nên tôi phóng rất ẩu và vượt 3, 4 cái đèn đỏ, may mà không có công an và tiếng pô xe tôi cũng rất lớn nên người ta dạt ra cả, chỉ có vài người chửi với theo thôi. Cô giáo đang đứng trước cửa nhà, vẻ mặt rất lo lắng.
– Con lên coi con nhỏ sao rồi!
– Dạ! Nhà em gửi cô chai rượu.
– Thôi chạy lên coi em nó sao đi.
Tôi và cô phóng lên lầu, ba của Uyển Văn đang đọc báo ở phòng khách nhìn tôi với “Những đôi mắt mang hình viên đạn”, ông bỏ dở tờ báo xuống, mặt có vẻ giận.
– Con chào bác!
– Lên coi con nhỏ có sao không, nó có chuyện gì anh biết tay với tôi!
– Dạ – tôi nói lí nhí rồi theo cô lên lầu thấy hơi nhột nhột sau lưng, hình như có viên đạn nào đấy đang nhắm về phía mình.
– Con ơi! Anh nó tới rồi nè, mở cửa cho mẹ với.
– Kêu ảnh về đi!
– Mở cửa cho anh đi em!
– Tôi không muốn thấy mặt anh nữa, anh về đi.
Uyển Văn vừa gào lên vừa khóc, cô và tôi cũng lúng túng không biết phải làm thế nào, em giận dai quá. Bác trai cũng lững thững đi lên nhìn tôi với cặp mắt sắt như dao cạo cùng với bàn tay gân guốc to bè đang nắm chặt lại. Nếu Mike Tayson lúc thượng đài trông như thế nào thì ba Uyển Văn lúc ấy trông như thế đấy, và nhất là ba em cũng to con hơn tôi gấp rưỡi. Tất nhiên tôi không bao giờ có cái ý định mất dạy là ra tay với ba em, nhưng cũng cần phải nhìn vào tương quan lực lượng để đoán được lực tay của ba em như thế nào mà còn chuẩn bị tâm lý nữa chứ, chắc là lớn lắm.
– 5 phút nữa nó không ra là anh bay ra đường luôn đó.
– Kìa mình! – cô giáo tôi nhìn vào chồng.
– Không có nhẹ nhàng gì hết, cậu không mang con Uyển Văn ra thì tôi cho cậu bay.
Tôi hoảng thật sự, cánh cửa sống duy nhất của tôi lúc này là căn phòng đang khóa trái của Uyển Văn và có vẻ như nó sẽ không bao giờ chịu mở. Đành liều tấm thân này vậy mà trước hết phải hỏi thử coi còn chìa khóa dự phòng không nữa, đáp án là không. Em khôn thật, mang theo hết vô phòng luôn rồi, có vẻ như em thích nhìn tôi bay như siêu nhân thì phải. Nếu như các bạn ở ngoài cuộc thấy cảnh này có lẽ cũng ôm bụng cười ngặt nghẽo: Tôi đang loay hoay mở khóa với vẻ mặt căng thẳng vô cùng, cô giáo thì cuống cuồng lên, ba của Uyển Văn thì đang… khởi động tay chân, nghe răng rắc. Lâu lâu nghĩ lại cảnh này tôi cũng thấy buồn cười, nhưng lúc đó thì không. Tôi sợ quá liền vận hết sức, đạp tung cửa phòng em ra. Em đang nằm trên giường mặc bộ đồ lửng ở nhà, úp mặt xuống gối khóc tấm tức không để ý gì tới xung quanh cả. Mặt của ba em cũng hơi giãn ra, nhưng “Những đôi mắt mang hình viên đạn” thì vẫn còn.
– Em cho anh xin lỗi! – tôi nói lí nhí trong miệng.
– Thôi anh nó cũng biết lỗi rồi, con đừng khóc nữa – ba em nói với giọng rất dịu dàng, trái hẳn lúc nói với tôi.
– Con khuyên em nó đi, con nhỏ này cũng nhõng nhẽo lắm chứ không vừa đâu! – mẹ Uyển Văn nói.
– Anh dỗ nó kiểu nào thì dỗ, không là coi chừng tôi đó – ba em lại lên tiếng.
– Không thèm! – Uyển Văn hét lên – Ba mẹ với anh ra ngoài hết đi.
Ba mẹ em nháy mắt với nhau rồi đi ra ngoài trong sự khó hiểu của tôi. Giờ trong phòng chỉ còn em và tôi thôi, phải giở trò năn nỉ em, một hồi thì em cũng chịu ngồi dậy, mắt đỏ hoe kết hợp với “Những đôi mắt mang hình viên đạn” nhìn tôi.
– Em làm gì mà anh chửi em?
– Sáng ngủ dậy anh hơi mệt! Nên có hơi lớn tiếng với em, chứ chửi hồi nào, cho anh xin lỗi nha!
– Tối qua anh đi với con nào mà mệt? – em hỏi y chang hồi sáng, tôi thì cũng không còn dám nạt nộ gì em nữa, em chịu nói là mừng lắm rồi.
– Hôm qua anh đi ăn tiệc chia tay với ông thầy!
– Xạo! – em nhìn tôi trân trân, mắt em y chang như mắt ba em vậy – 8h tàn tiệc rồi, anh còn về sớm nữa mà!
– Anh có đi lòng vòng hóng gió một chút!
– Đi hết chỗ nào?
– Vòng vòng chơi thôi! Anh có làm gì bậy bạ đâu.
– Em không tin!
– Phải tin anh chứ em! Nói láo anh làm chó.
– Hồi xưa anh làm chó bao nhiêu lần rồi!
Tôi á khẩu chẳng nói được câu gì. Quả thật tôi nói láo với em hơi nhiều và bị em phát giác cũng không ít, giờ tôi câm luôn. Em nhìn tôi cười cười, nụ cười nham hiểm vô cùng, em nhìn ra cửa, không thấy ba mẹ em đâu, em hôn tôi một cái rồi cười tươi.
– Thật không?
– Thật.
– Tha cho anh, tin anh 50% thôi!
– Ừ! – tôi thở phào.
– Anh làm gì bậy bạ là coi chừng em! – mặt em cũng tươi hơn, và tôi cũng mừng hơn một chút.
– Thay đồ đi anh chở đi chơi.
– Không thèm! – em quay mặt ra chỗ khác.
Tôi cũng lén hôn em một cái, em quay lại đánh vào vai tôi một phát thật đau.
– Anh ra ngoài đi, làm cửa phòng em hư rồi đó, đi về sửa lại cho em.
Tôi cũng mừng mà ra khỏi phòng, con chó nhà em nhìn chằm chằm vào tôi. Tôi cũng nhìn nó và tự nhủ: Mày nhắm mày được mấy dĩa mà kênh với tao. Nhà dưới, bố mẹ em cũng cười nói vui vẻ trở lại. Ba em cũng không còn nhìn tôi bằng “Những đôi mắt mang hình viên đạn”, ông có vẻ điềm tĩnh hơn.
– Hai đứa đi chơi hả? Con đưa em nó về sớm đó! 12h chở nó về ăn cơm.
Nhìn đồng hồ, 11h30, cười buồn, chắc chở em đi uống nước ở gần đây thôi. Trên đường đi, thoáng thấy bóng Hạnh đạp xe từ đằng trước, cách tôi chỉ hơn 20 mét, người tôi run cầm cập, dừng xe lại giả vờ mồi điếu thuốc chờ cho đến lúc Hạnh quẹo vào con đường khác, chiếc xe tôi cũng khá nổi bật, thoáng qua là em biết ngay. Uyển Văn ngồi sau lưng, đập vai tôi
– Anh lại hút thuốc nữa!
– Anh thèm quá! Hết điếu này thôi!
Uyển Văn không nói gì, tôi thấy tình hình cũng ổn nên vứt điếu thuốc đi, sợ thật. Ngồi trong quán nước với Uyển Văn mà tôi chẳng còn tâm trí nào để nói chuyện cả, cứ ngồi im như tượng, chốc chốc lại liếc nhìn ra đường. Uyển Văn thấy lạ, hỏi vài lần tôi cũng chỉ ậm ừ trả lời em cũng chán không thèm nói nữa, chỉ nhìn tôi chăm chắm, chắc em nghĩ tôi thiếu thuốc
– Anh thích thì cứ hút, em không giận đâu!
Hãi thật, tôi cũng ráng mồi một điếu cho tỉnh táo mà tay cứ run cầm cập. Liếc đồng hồ, cũng 12h hơn rồi, chở em về, tôi cũng cần yên tĩnh một chút, chiều lại qua thăm em.