Ngày xưa, khi xem phim mà thấy cảnh những người thất tình đi uống rượu, tôi từng sỉ vả họ: rằng những thằng nào vì tình mà say be say bét là kém cỏi, là hèn nhát. Nhưng sau này tôi mới biết mỗi người có cách đối mặt với sự thất vọng của bản thân mình. Trớ trêu là, tôi bước vào đúng cái con đường tôi từng dè bỉu: tìm đến rượu, và tôi nhận ra, chưa chắc họ đã yếu đuối, đôi khi, họ muốn say, say để quên đi chút ít, để không phải nghĩ về những buồn đau cuộc đời. Nhưng có quên được không thì câu trả lời là không! Càng say càng đau, càng đau càng nhớ.
Tôi ngồi bên bàn rượu và gục xuống lúc nào không biết. Những hơi men chuếnh choáng đưa tôi về nhà theo bản năng.
Hôm nay thức dậy sớm hơn mọi khi, không phải vì mấy cái ngụm rượu rẻ tiền toàn pha cồn vẫn bán ở quán, tôi giật mình chợt nghĩ giờ chẳng biết Phương đang ra sao nữa?
Với tay lấy cái điện thoại để gọi cho em. Hiện lên là hơn 20 cuộc gọi nhỡ của Phương và mấy thằng bạn, cộng thêm một đống tin nhắn cũng của Phương nốt.
Vừa bấm máy gọi cho em xong, thì bỗng nghe thấy tiếng điện thoại đang rung “bruuuuuuuu” ở dưới sàn nhà. Giật mình bật dậy, tôi thấy Phương đang nằm co quắp dưới sàn, cái điện thoại thì đang sáng choang, rung bần bật ngay trên đầu mà cô nàng chẳng hay biết gì hết!
Hốt hoảng, tôi phóng xuống bế Phương lên giường. Đúng là đồ con gái mất nết mà, ngủ lăn quay để người ta vần vò bế ẵm đủ kiểu cũng không thèm dậy!
Cứ để Phương gối lên tay mình ngủ, tôi quay ra đọc lại tin nhắn của em đêm qua. Nội dung chẳng có gì đặc biệt, nhưng nó làm tôi suy nghĩ nhiều quá. Vẫn là những lời xin lỗi, xuyên suốt từng ấy tin nhắn. Em đâu có gì mà phải xin lỗi hả đồ ngốc? Lỗi gì khi chúng mình yêu nhau? Câu xin lỗi hãy để dành cho mấy người mà em không yêu kìa! Chứ em đã bỏ anh theo chồng đâu mà xin lỗi?? Cúi xuống, tôi nhẹ nhàng thơm lên cái má trắng hồng và cái mỏ đang chu ra kia.
Một lúc, Phương ọ ẹ trong tay tôi, rồi khẽ khàng mở mắt, ngơ ngác như con mèo thức dậy buổi sáng. Sau một hồi ngó nghiêng xung quanh thu thập tình hình, nàng đẩy tay tôi ra khỏi đầu, kèm theo cái lườm đến cháy mắt.
– Cút đi!
– Sao đuổi anh? – tôi ngơ ngác.
– Còn hỏi à? Hôm qua ai đuổi tôi “cút đi”?
– Anh đuổi em à?
– Em giết anh!
– Thôi anh xin lỗi, chắc anh say đấy. Sao anh lại đuổi em được?
– Phí công người ta lo lắng! Biết thế để cho say chết luôn. Gét không thèm nằm cùng!
– Thôi lại đây với anh – Tôi kéo Phương lại gần thủ thỉ
– “Rồi em cũng bỏ anh giống người ta thôi”!!! vẫn còn nhớ “người ta” thế cơ mà! – giọng Phương nguýt dài, kèm theo là “liên hoàn” cấu véo.
Lại mấy cái cơn say say tỉnh tỉnh nó làm hại tôi. Lúc ấy cái thằng người mềm yếu mong manh trong mình lại trỗi dậy. Co ro, sợ sệt. Sợ cô đơn không ai lo lắng, sợ bị cướp mất người yêu, giống đứa trẻ đang chơi đồ hàng thì người ta đến đá nó ra đằng xa vậy, thằng bé hốt hoảng chạy lại nhặt thì người ta nhanh hơn lại đá nó đi mất, cứ như thế, miết mải chạy đuổi theo món đồ chơi mà đâu biết là không thể…
Tôi lại nhớ đến Mai, nhớ khắc khoải. Nhưng không phải nhớ con người, mà nhớ cái cảm giác lạnh lẽo và đơn côi. Hơn một năm trước, cũng diện kiến bố mẹ, cũng những lời nói như cứa vào tim, quán cũ, chai rượu, một mình, và những suy nghĩ hằn học cuộc đời – nó cho tôi sự nghiệp, cho tôi một gia đình yêu thương, thì lấy đi của tôi tất cả tình cảm riêng, không phản bội thì cũng vì những thứ định kiến và suy nghĩ đầy toan tính.
– Làm gì mà ôm chặt thế! Em khó thở.
– Bố mẹ hôm qua có mắng mỏ gì em không?
– Có. Bố mẹ bắt em về xin vào Bảo hiểm hoặc vào trường anh Huy dạy.
– Thế em nói sao?
– Em khóc nhè.
– Hahaha. Khóc nhè á?
– Anh không biết thì thôi, khóc nhè hay mà. Còn hơn là tranh cãi với bố mẹ.
Đúng là thứ võ lợi hại mà tôi không nghĩ ra. Võ này con gái là chủ sở hữu tuyệt vời nhất, có thể dùng bất cứ khi nào, và sức sát thương thì cực lớn. Nhưng dù thế đi chăng nữa thì nước mắt cũng không phải thứ vũ khí tuyệt đối để giải quyết dứt điểm. Muốn vậy, hai đứa còn phải cố gắng nhiều. Qua lời Phương kể, tôi biết bố mẹ em không hẳn là có thành kiến với mình. Điều làm họ “xù lông nhím” lên và tỏ thái độ có chăng chỉ là do cái profile của tôi với một chữ vỏn vẹn: xa!
Rõ ràng với duy nhất lí do đó, nó chẳng thể làm tôi vô tư không suy nghĩ. Bố mẹ Phương đều là công chức nhà nước, họ có những suy nghĩ tiến bộ, nhưng có lẽ đã hơi quá. Xã hội là vậy, “trai khôn gả vợ, gái lớn gả chồng”, thêm nữa là “xuất giá tòng phu”. Tôi là người không cổ xúy cho cái tư tưởng “gả chồng mất con gái” của đại đa số gia đình. Gái hay trai thì đều là con cái, có chăng thì phụ nữ sẽ hơi thiệt thòi hơn khi phải lo toan cho cả 2 nhà, chứ còn chuyện “mất con” thì quá cổ hủ.
Nói vậy để thấy rằng tôi và gia đình không phải phong kiến đến mức chăm chăm đi lấy con gái nhà người ta, rồi bắt một cô Mị nào đó về để hầu hạ dạ vâng. Hai vợ chồng chúng tôi sẽ tự lập, và trách nhiệm san sẻ cho cả 2 gia đình – tư tưởng ấy đã ăn sâu vào tôi từ lâu. Có lẽ vì thế mà khi nghe cái suy nghĩ có phần ích kỉ của bố mẹ Phương, tôi chỉ biết mỉm cười chấp nhận, và hy vọng thay đổi họ dần dần, dù sao cảm giác trống vắng của nhà có con gái đi lấy chồng cũng chỉ bố mẹ em mới hiểu được rõ nhất.
– Cún ăn gì em nấu?
– Thôi đi ra ngoài ăn đi, giờ em còn phải qua nhà nữa mà.
– Không thèm chứ gì?
– Mệt quá! Còn nấu mấy chục năm nữa, cứ ở đấy mà dỗi vặt.
Cách tốt nhất lúc con gái phụng phịu, là ôm vào lòng, kệ ọ ẹ, tự khắc họ sẽ quên hết cái gì vừa diễn ra. Tôi quặp Phương như con ếch ôm vào cây măng, chặt đến ngạt thở. Tôi thích cảm giác ấy, cảm giác sở hữu…
– Mình xếp hình đi.
– Thôi, giờ còn phải đi làm. Tối.
Mặt tôi nghệt ra. Bất ngờ. Tôi chờ đợi một sự im lặng đồng thuận, hoặc ít nhất là một lời cự tuyệt thẳng thừng, nhưng không, em trả lời tôi quá tự nhiên, cảm giác như đây là lời của vợ nói với chồng vào buổi sáng trước khi đi làm vậy, anh chồng thì xin xỏ còn chị vợ thì sợ muộn nên “khất” lại vào buổi tối. Nhưng cũng chỉ mơ màng được vài giây, Phương cười khành khạch vào bộ mặt ngây thơ của tôi.
– Haha. Mơ đi cưng, tưởng chị nói thế là chị đồng ý à? Chị để dành cho chồng chị.
Rồi hình như Phương nhớ ra cái gì, em với tay lấy cái điện thoại rồi dí dí vào mặt tôi.
– “Em thích nhìn anh lúc giảng bài!” – đứa nào đây?
– Ai biết! Chắc bọn SV nó trêu.
– Ai chẳng biết SV. Trêu gì mà trêu vớ vẩn thế!?
– Ai cấm được chúng nó? Sim rác đầy ra kìa ai biết đứa nào.
Thực ra là tôi biết ai nhắn. Con bé này học cũng khá và rất ngoan ngoãn. Tôi học năm 3 thì nó vào năm nhất, có đi làm tình nguyện cùng với nhau. Nếu Phương là một vẻ đẹp của chín chắn và truyền thống, thì bé đó lại đẹp theo kiểu vô tư lự và nhí nhảnh. Những khi đi làm việc cùng với nó tôi thấy mình thoải mái, mặc dù toàn mình làm là chính, vì nó cứ tưng tửng vừa làm vừa chơi. Có lẽ vì tôi hiền, dễ bắt nạt nên cứ chia nhóm làm việc là nó lại xung phong về nhóm mình, làm anh chị em trong đội cứ gán ghép suốt.
Từ lúc tôi ra trường, con bé và tôi ít gặp nhau, chủ yếu là trên lớp vì tôi dạy lớp nó. Nhiều lần tôi bắt gặp ánh mắt nó mất tập trung, không nhìn tôi thì nhìn ra ngoài cửa. Biết có chuyện gì xảy ra nên tôi chủ động gặp nó để nói chuyện. Trái với dự đoán của mình, một đứa tưng tửng và hơi bất cần như nó không hiểu, nói đúng hơn là không chịu nghe tôi nói gì. Trước khi xách cái cặp ngoảnh đít đi về nó còn buông cho tôi một câu: “chừng nào anh lấy vợ mời em thì em thôi”. Cái điệu bộ vừa đi vừa đưa tay quá đầu khoác cái túi chéo MU hàng mã, tai đeo phone xanh lè lắc qua lắc lại làm tôi nhớ đến Mai những ngày sinh viên.
Con bé thỉnh thoảng vẫn nhắn tin cho tôi, khuyên bảo mãi không được, tôi mặc kệ. Được cái là nó không bao giờ gọi điện, chỉ nhắn tin, và cũng không trong giờ dạy, nên tôi cũng không lấy làm phiền lắm.
Thực ra, trước khi yêu Chúc, tôi cũng có đôi lần suy nghĩ về bé, nhưng lại gạt đi, phần vì nó quá giống Mai, tôi hơi ác cảm, nhưng phần lớn là vì tôi ngại tình thày-trò, nó còn trẻ con quá. Còn giờ thì nó năm 4 rồi, bạo dạn hơn, nhiều khi tôi phải tránh mặt nó chứ không phải nó tránh mặt mình. Không biết là nó giống kiểu của Mai, mạnh mẽ, hay là đứa nào lúc yêu cũng hùng hổ thế.
– Thực ra là, anh biết. Nhưng anh thấy không đáng kể nên anh không kể em.
– Chưa gì anh đã nói dối em, thấy không? – Phương đổi thái độ.
– Em thừa biết môi trường của anh mà, mấy cái này mà ngày nào cũng kể thì nó thành vớ vẩn. Bọn SV giờ nó quái lắm, dỗi hơi là chúng nó trêu à.
– Em không biết! Anh vừa cãi bằng được là không biết, giờ lại bảo là biết! Em ghét dối trá!
– Anh cũng gét dối trá! Nhưng chẳng lẽ cứ chúng nó trêu là anh lại bảo em? Anh không muốn có tiền lệ ấy.
– Thôi em không muốn cãi nhau. Em về đây.
– Khoan. Anh không muốn làm gì khuất tất, nên nếu em muốn thì từ giờ anh sẽ công khai những chuyện như thế này!
Phương đứng dậy rồi lặng lẽ đi về, chẳng nói thêm lời nào. Tôi cũng không muốn tranh cãi làm gì, vì nó chẳng đáng. Nếu đặt mình vào vị trí của Phương có lẽ tôi sẽ hiểu em, cũng như ngày trước lúc tôi nhìn thấy Phương nhận tin nhắn của mấy người đang tán em vậy. Nhưng tôi vẫn là thế, tự tôn cao vút, tôi chỉ nói đến thế là cùng, mặc dù tôi biết em cảm thấy thế nào.
Vừa yêu nhau được 2 hôm đã gặp đủ thứ chuyện, hết bố mẹ lại đến giận dỗi nhau vì mấy chuyện đâu đâu. Tôi hơi chán nản, uể oải với lấy điện thoại, tôi nhắn lại cho bé Yến
– Từ giờ đừng nhắn tin làm phiền anh nữa nhé. Người yêu anh giận anh rồi kìa.
– Anh chị đăng kí chưa? – nó nhắn lại ngay lập tức.
– Chưa.
– Vậy thì kệ chị ấy!
– Anh không đùa đâu.
– Em cũng không đùa. Thôi em đang trong lớp, tiết 3,4 gặp lại thày sau.
Nói thẳng không chịu nghe, nhắn tin thì cứng đầu, tôi bó tay với con bé.
Một tuần sau đó, tôi với Phương không nói chuyện với nhau. Tôi quá bận vì dự án của thầy đang vào giai đoạn báo cáo tiến độ, đầu óc lúc nào cũng căng ra vì thí nghiệm và mờ mắt viết báo cáo nên chẳng để ý được gì đến em nhiều. Vì một chuyện nhỏ nhặt như vậy mà em giận tôi đến vậy sao? hay chỉ mình tôi thấy là nó nhỏ nhặt? Em cứng đầu, tôi cũng cứng đầu, hai đứa chẳng ai chịu mở lời trước.
Trưa thứ 6, sau khi bấm nút Send gửi mail báo cáo cho thầy, tôi lăn ra cái ghế xếp ở trong phòng Thí nghiệm ngủ li bì. Suốt cả tuần mất ăn mất ngủ vì mấy cái số liệu, giờ tôi thèm ngủ kinh khủng. Không biết vì đói hay vì tiếng chuông kêu inh ỏi, tôi vùng dậy với lấy cái điện thoại. Đầu bên kia là cái giọng quen thuộc.
– Em có cái này cho anh xem!
– Không có gì phải xem cả!
– Nó liên quan đến Phương.
– …… ở đâu?
– MaX, 15p nữa.
15p sau tại quán cafe. Tôi rất mệt, nhưng vì có thứ liên quan đến Phương nên mọi mệt mỏi như quên hết, cộng với một sự hiếu kì xen lẫn lo sợ.
– Gì đây? – tôi bắt đầu bằng giọng khó chịu, mặc dù ngồi cạnh Chúc còn một người nữa.
– Em muốn anh gặp người này.
– Chào bạn, mình là Huy.
– Chào bạn, mình là Cường. Bạn là?
– Mình là bạn trai của Phương. Hôm nay lên đây thăm Phương sẵn tiện rủ mọi người đi uống nước.
– À, vâng. Mình có nghe Phương kể về bạn.
Trong vài giây tôi mường tượng được ra điều gì trong này: Chúc làm thế nào đó kết bạn được với Huy, mục đích làm gì thì chẳng phải nói thêm – đây sẽ là thứ em đem ra để đối chọi với tôi?! Chúc ngây thơ khi em nghĩ rằng nếu tôi không yêu Phương nữa thì sẽ quay về với em? Nếu vậy thì em coi thằng bạn trai bây giờ chẳng bằng con người. Hay đơn giản chỉ là phá phách tôi cho bõ ghét? Càng nghĩ tôi càng thấy khinh bỉ con người này. Rút điện thoại, tôi nhắn tin cho Chúc mặc dù đang ngồi ngay đối diện.
– “Cô làm cái trò gì đấy?”
– “Mình là người yêu của nhau mà anh” – một cái nhoẻn cười, vẫn cái răng khểnh và má lúm đồng tiền tôi từng mê đắm, nhưng giờ thì không còn là cô Thanh Niên Kiểm Tra trong sáng ngày nào nữa rồi – một con cáo già giăng bẫy đưa người khác vào cảnh “3 mặt một lời”??
Chúc đứng lên và đi sang ngồi cạnh. Với lịch sự tối thiểu trước mặt người lạ, tôi vẫn để yên, nhưng đến khi Chúc đưa tay quàng vào tay tôi như tình nhân thì tôi bắt đầy thấy ghê sợ em. Rút điện thoại ra và đánh lên màn hình, tôi hướng nó về phía Chúc cho em đọc. “Cô thôi đi không? Đừng để tôi bóc mẽ ra!” – Đáp lại, Chúc cầm tay tôi đặt lên đùi em, và dựa đầu vào vai, chẳng khác gì tình nhân. Tôi vô cảm, và chẳng phản ứng gì, để xem em còn diễn được đến đâu nữa? Mấy cái trò mà em nghĩ rằng nó trí tuệ, thực ra nó đầy rẫy những kẽ hở và em vẫn đang tự đắc rằng mọi người cứ diễn theo kịch bản em vẽ ra?! Thật trẻ con và ảo tưởng.
Ngồi trò chuyện qua lại. Một phần tôi muốn tìm hiểu về “đối thủ” của mình, xem hắn nói gì? Đã làm gì cho Phương mà dám nhận là bạn trai? Nhưng lí do quan trọng nhất níu kéo tôi ở lại đây là vì sẽ được gặp em! Một tuần vừa rồi đã là minh chứng cho con người tôi: nhớ lắm, nhưng lạnh lùng, vô cảm đến chai lì. Khi có công việc, tôi chú tâm vào nó và chẳng màng gì những cái bên cạnh, kể cả em – người tôi yêu. Có khi nào nó là thứ bản chất đáng ghê sợ về độ lạnh lùng? Hay em bước vào đời tôi nhẹ nhàng quá, nên có cũng được không có tôi cũng thấy không sao?
Phương đẩy cửa bước vào. Một tuần không gặp, nhìn em vẫn vậy, tươi tắn và xinh đẹp, chỉ có đôi mắt là thoáng buồn – điều tôi tin chỉ mình mình nhận ra. Phương tỏ ra bình thường như không – đây là cái mà tôi chờ đợi ở em – một người phụ nữ trưởng thành và ý thức trân trọng chính bản thân mình. Nếu như em vật vã, bỏ ăn bỏ uống và chỉ chờ đợi được dỗ dành thì có lẽ tôi sinh ra không phải dành em, mà dành cho các bé tuổi teen chốc chốc đòi tự tử vì thất tình ngoài kia.
Phương khẽ khựng lại khi nhìn thấy tôi và Chúc. Nhưng chỉ vài tích tắc, em nhoẻn miệng cười rồi đi vào. Tôi cũng chẳng buồn thanh minh, vì một chút nào đó tôi tin vào bản lĩnh và trí tuệ của em.
Phương tiến lại gần hơn. “Nếu em làm ầm ĩ lên cũng chẳng trách được, nhưng có lẽ 2 đứa sẽ mất nhiều hơn là được đấy Phương ạ!” – ý nghĩ thoáng qua trong đầu tôi. Nếu điều đó xảy ra có lẽ người sung sướng hả hê nhất vẫn là Chúc, còn con rối Huy thì sẽ được dịp xem kịch miễn phí, và biết đâu có cái để đưa đẩy với bố mẹ em? Thôi thì đành vậy, giờ tôi cho Phương quyết định.
Mặc kệ lời chào hỏi của Huy và cái ánh mắt đầy ý tứ của tôi, em coi như không nghe không thấy gì, từ từ tiến lại gần. Cái khuôn mặt cười này thực đáng sợ, nó đáng sợ hơn là việc em bù lu bù loa lên như mấy mẹ mấy chị vẫn đánh ghen.
Phương đưa tay lên – “thôi rồi, chuẩn bị ầm ĩ” – tôi nghĩ, và tôi chấp nhận, nhưng hơi thất vọng.
Nhưng, khi tôi đang chờ đợi một cái tát, thì thấy em chỉ thẳng vào mặt Chúc. Phương gằn giọng, từng chữ nghe thấy nghèn nghẹn.
– Con kia! Biến …ra …khỏi ….chỗ …của… tao!