Một tháng sau cái đêm đáng nhớ ấy, mình lần đầu được gặp mẹ em. Bà lấy lý do em trai (tức là cậu ruột em) vừa sinh cháu đích tôn, đến Hà Nam thăm cháu và hẹn chúng mình ở đó. Người cậu này chỉ hơn mình đúng 2 tuổi, 20 tuổi sinh con trai, đứa con trai 22 tuổi noi gương bố. Vậy là vừa mới 42, cụ đã có cháu đích tôn bồng bế.
Em kể bố mẹ em ngày xưa nổi tiếng xinh trai đẹp gái nhất làng, gặp rồi mình mới thấy chắc là không sai. Mẹ em đã ngoài 50, vất vả như thế mà khi gặp, rất khó hình dung là một phụ nữ từ bé đến lớn chỉ làm ruộng. Có lẽ em là kết hợp những nét đẹp nhất của bố và mẹ nhưng giống bố nhiều hơn, nhìn chỉ hao hao giống mẹ, phát hiện đó làm mình đột nhiên thấy “thông cảm” với bố em hơn đôí chút. Dù sao ông cũng là người đã cho em hình hài nhan sắc này…
Sau khi khóc được hết nỗi lòng đêm hôm ấy, em tự nhiên thành một người rất đa sầu đa cảm. Vừa thấy mẹ, em ôm chầm lấy bà khóc mãi, đến nỗi cậu em phải ra khuyên can em mới dần dịu đi. Mẹ em mắt ngân ngấn nước, đẩy em ra cầm xem hết mặt mũi đến chân tay (em kể lần nào bà cũng như thế), rồi vừa sụt sịt vừa than thở:
– Gầy đi đấy con ạ, mẹ nghĩ mãi vẫn không hiểu vì sao bố mày lại bỏ được một đứa con gái thế này. Làng thì bảo con gái như cái T thì đổi năm con trai cũng không đắt, thế mà bố mày…
Cậu em xen vào giọng rất bất bình:
– Kệ cả cái họ đằng ấy. Nếu họ không làm thì bên nhà mình đứng ra tổ chức cho cháu, xem ai dám nói gì? Cứ nghĩ đến là em tức lên đến tận đầu, mồm thì nói xấu cháu, người thì có tí việc ra Hà Nội là lại cái T cái T… Cháu việc gì phải giúp mấy người ấy?
Nghe cậu em kể lại mình mới biết, suốt mấy năm qua em vẫn lặng lẽ cưu mang giúp đỡ người làng, đặc biệt là những người ra Hà nội đi học và chữa bệnh. Bố mẹ em giờ được tiếng có con gái hiếu thảo giỏi giang, vậy mà em vẫn không thể về làng…
Mẹ em bảo:
– Bố cháu sau khi cháu nó giúp cụ Bài (mẹ của ông trưởng họ) đã nguôi đi nhiều rồi. Ông ấy chỉ khó nói với ông Xuyên, tôi cũng thấy khó nghĩ quá…
– Sau khi thằng V nó mất, ông ấy sợ chết cũng bỏ rượu nhưng sinh ra như dở người, cả ngày cứ ăn nói lảm nhảm. Tôi sang giúp bà ấy từ bấy nay nhưng nghĩ cũng không ổn, làm sao cứ thế suốt đời được. Cũng may thằng Hiển sau khi bị anh nó nhập vào lại như sáng ra, bây giờ tự lo được rồi…
Cậu em hỏi ngay:
– Chuyện là như thế nào chị? Ở đây em cũng nghe nhưng mỗi người một phách, bảo là thằng V nhập vào thằng Hiển, bây giờ nhanh nhẹn khỏe mạnh lắm?
Người cậu nói vô tư, không hề để ý cháu gái mình đang run lên, mặt trắng bệch. Ký ức cũ quá nặng nề khiến em cứ nghe đến V là sợ hãi, có lẽ nỗi sợ càng tăng thêm khi thấy bảo V “đã quay lại”. Mình nhìn mà thấy thương em quá, nhưng vì em đang ngồi cạnh mẹ nên không biết làm sao để an ủi em.
Mẹ em kể:
– Cuối tháng 11 âm năm ngoái, ông Xuyên làm lễ bốc mộ cho thằng V. Hôm trước làm lễ cúng, tự nhiên thằng Hiển lăn ra giãy mấy cái, tỉnh dậy quỳ xuống lạy bố lạy mẹ như tế sao, cứ lắp bắp con bất hiếu không đền ơn được cha mẹ. Được một lúc thì nó lăn ra ngủ một giấc đến tối mịt mới tỉnh…
– Từ lúc tỉnh lại, thấy nó khôn ra nhiều. Nói nhanh nhẹn như anh nó là không phải nhưng bây giờ nó tự lo được, nói nó hiểu, thỉnh thoảng còn giúp tôi mấy việc. Bà Xuyên bà ấy cứ nhắc đi nhắc lại xin lỗi cháu T, bảo cháu nó về đi, nhưng bố nó với ông Xuyên cứ như thế thì làm sao nó về được…
Bà chuyển câu chuyện sang mình. Cũng như tất cả các bà mẹ vợ, mẹ em muốn biết thật nhiều về chàng con rể tương lai. Sau khi mình có lời, mẹ em mới thở dài:
– Chuyện của con cô, chắc cháu đã biết cả. T nó khổ nhiều quá rồi, bây giờ hai đứa cứ tự quyết định. Chỉ cần T nó yên ấm là cô bằng lòng…
Đôi khi trong đời cũng phải đao to búa lớn một chút, mình nhìn thẳng vào mắt mẹ em, nghiêm trang:
– Cháu đã nghĩ cháu và T sẽ phải cố gắng rất nhiều để hòa giải chuyện ngày xưa, nhưng nghe cô và cậu kể thì em đã đi được đến chín phần mười chặng đường rồi. Còn lại chỉ là một phần mười, nhất định cháu sẽ cùng T đi đến đích…