Tôi sinh ra trong 1 gia đình mà có lẽ sự thăng trầm của nó diễn ra lúc mà tôi còn quá bé để lờ mờ nhận ra. Trong trí óc của 1 đứa trẻ, có lẽ những gì ghi nhớ được là những điều đặc biệt nhất, sâu đậm nhất
Lạng Sơn… chắc nghĩ đến đây rất nhiều người nghĩ đó là nơi mà hàng lậu được tuồn vào rất nhiều từ Trung Quốc qua đường cửa khẩu, đường rừng. 1 nơi mà rất ít hình ảnh của đồng ruộng thẳng cánh cò bay, hay những bậc lúa nương vẫn thường thấy ở những tỉnh miền núi… nên có lẽ tuổi thơ của tôi cũng không có những hình ảnh quen thuộc, tuổi thơ của 1 đứa trẻ “thành phố”, nơi mà người ta cầy mặt đường ra lúa gạo
Bố kém mẹ 1 tuổi. Ngày trước tôi được nghe kể lại rằng bố mẹ lấy nhau bị cả 2 nhà phản đối nhưng phần nhiều là từ ông trẻ bên nhà ngoại, vì lúc ấy nhà nội tôi nghèo, lại có nhiều anh em. Nhà Nội quê gốc Hưng Yên, lên Lạng Sơn từ 1970, ban đầu bố làm công nhân xưởng dệt rồi công nhân ở xí nghiệp xây lắp… Mẹ quê gốc Hải Dương thoát ly từ năm 78 theo chú ruột lên Lạng Sơn. Đôi lúc vẫn nghe mẹ kể lại bố đã đạp xe 30km để đến chỗ mẹ tầm 1h rồi lại về. Bố cưới mẹ về chẳng có gì cả… lúc ấy mẹ vẫn còn thủ kho ở cửa hàng thực phẩm của huyện, mang từng kg đường, muối cả dưa đem về nhà nội tôi. Cái thời kì bao cấp, thời tem phiếu có lẽ tôi cũng chẳng mường tượng được nó như thế nào… nhưng có lẽ vất vả và nhiều cơ cực lắm.
Mẹ lấy bố, tôi nghĩ mẹ đã hy sinh rất nhiều. Nhà Nội nghèo, đông con nên mọi thứ đều hết sức thiếu thốn. Nghe kể lại lúc có mang chị 2, có miếng cơm be bé ăn phải len lén dấu các em không lại lắm chuyện, lần đói quá đến nỗi đã phải ăn bã chè xanh đến nỗi say phải đi viện…
Khi tách ra ở riêng, nhường hết đất đai cho các em, bố cũng chẳng có gì cả. Tiền mua mảnh đất mà gia đình tôi đã ở hơn 20 năm có lẽ cũng là tiền tích cóp của mẹ. Bố là anh cả, bị bắt nghỉ học sớm để đi làm nuôi các em, lại sống trong 1 gia đình có phần hà khắc đến cực đoan của ông bà Nội nên tôi cũng không lạ khi Bố thương 3 chị em chúng tôi theo 1 cách khác mà người ta gọi là thương cho roi cho vọt… và ông không bao giờ khen các con câu nào trước mặt người ngoài cả. Khách quan mà nói, trong gia đình bố gia trưởng và độc đoán…
Năm 1992… thời kỳ mở cửa biên giới. Hàng hóa ồ ạt tuồn từ Trung Quốc sang. Nhiều người có vốn lại máu liều phất lên nhanh chóng. Nhà nhà buôn hàng, người người buôn hàng. Mặt hàng lúc ấy được tiêu thụ nhiều nhất là vải, sau đến là đồ điện tử… tưởng tượng 1 chiếc xe Misk ( loại xe uống xăng như nước lã nhưng cực khỏe ) đeo trên mình 1,5-2 tạ hàng. Chỉ cần người lái hơi mất thăng bằng là đổ ụp… Những xúc vải tôn chất cao hơn đầu người lái chừng 70-80 phân. Đi một mình còn đỡ, khi cả đoàn tầm 7-8 chiếc xe thì tiếng nẹt bô, tiếng còi vang lên, người đi đường đã phải biết mà tránh trước cả trăm mét… Hay cảnh 1 xe con cóc ( xe Dai-u) chất đầy hàng đến nỗi không đóng được cửa sau, 1 xe đi trước, 2 xe đi 2 bên, 1 xe đi đằng sau, thấy công an là sẵn sang lao vào để cản trở truy đuổi.
Nhà tôi gần Ga Lạng Sơn nên còn nhiều cảnh thú vị nữa. Chẳng hạn là chuyện đưa hàng lậu lên tàu. Tất nhiên không thể đưa theo cách thường vì sẽ phải đánh thuế hoặc chịu mất trắng. Vậy là người ta nghĩ ra chuyện để người không trên các toa tàu, còn hàng thì ở dưới đất cách ga một đoạn tầm 200-300m, tránh người kiểm soát. Khi tàu chạy ở vận tốc khoảng 30-40km/h.. người ở trên đưa tay ra, người ở dưới nhâng hàng lên ( thường là 2 người nhận hàng vì một bao vải rất nặng… theo đà ném vào toa tàu đã mở cửa sẵn, thường là tàu hàng ). Có lẽ người nào được gọi là giàu ở đất Lạng Sơn này cũng không thể quên 1 thời như thế.
Tiền bố kiếm được nhiều đến nỗi tiền lúc nào trong tủ cũng phải 300-400 triệu vào thời điểm 1993, bố mua thêm một mảnh đất rộng gấp 2 mảnh đất đang ở. Tôi lờ mờ nhớ được nhà mình từng giàu nhất xóm. Những viên chức trong xóm nhiều lúc phải sang vay nhờ gạo, tiền mua thức ăn. Tôi được mua nhiều thứ đồ chơi mà có thể gọi là của những đứa trẻ nhà giàu… Trong xóm rất ít nhà có đến cái TV đen trắng còn nhà tôi đã có TV màu, làm cái ăng ten cao 20m bắt được cả đài Trung Quốc. Mẹ sinh được 2 chị nên khi tôi ra đời, bố cưng lắm, bắt mẹ nghỉ hẳn ở nhà để chăm sóc con cái với lí do: Lương cả tháng của cô chưa bằng tiền một ngày tôi chạy hàng. Có lẽ bố quen sống khổ rồi, nên lúc mới sướng được một chút thì chính bố đã có nhiều quyết định sai lầm…
Mẹ nghỉ ở nhà vì nghe bố. Ăn lương một cục không có hưu… Bố đi làm được nhiều, và cảm thấy mình cần phải xả hơi. Bố không biết đánh bài, chỉ biết đánh Lô. Mà ngày nào cũng phải đánh, kết con số nào là phải ghi cả mấy trăm đến cả nghìn điểm. Các chú sang can ngăn, ông bà nội sang can ngăn, bố chỉ lạnh lùng nói : Tiền tôi tự kiếm thì tôi có quyền tự tiêu. Tôi không hiểu đã có cái gì trong Bố lúc này hay chỉ là những con số nhảy múa. Mà cái thói đời : Càng chơi càng ham, trúng thì mong trúng nữa, thua thì phải đánh tiếp để gỡ. Tôi còn nhớ như in câu mà bố nói với Mẹ khi tiền trong tủ đã sắp cạn : Đánh nốt tuần này, rồi xây nhà. Mặc cho Mẹ khóc lóc van xin. Và căn nhà đã không bao giờ được xây nữa, mảnh đất đã mua cũng phải gán để trả nợ… mãi sau nhiều năm chắt bóp nó mới được đập đi xây lại.
Tôi từng thấy bố có rất nhiều bạn, từng rất quý một số người, nhưng có lẽ đó chỉ là bạn tiền, bạn nhậu, bạn lợi dụng mà thôi. Bạn??? Bạn là gì mà làm chủ đề, bạn mình chơi không can ngăn mà đồng ý ghi nợ, ghi thiếu để lao vào như con thiêu thân? Có lẽ cái ý nghĩ đó đã ám ảnh tôi từ bé… cho dù lúc ấy tôi chưa đủ lớn để hiểu hết nhưng cũng đủ để không còn yêu những người bạn của bố nữa.
…
Trước tôi nghe kể còn có một anh hay chị nữa. Mẹ tắm bị cảm, băng huyết và xảy thai. Cũng từ đó mà sức khỏe mẹ giảm dần, sau khi sinh tôi thì càng yếu hơn nữa. Nhiều lúc tôi tự hỏi có phải chính sự ra đời của tôi đã làm mẹ khổ? Có phải chính tôi là khởi nguồn của nhiều thứ… có phải…? Ngay cả cái số phận mà tôi đang sống, có nhiều lúc nó cũng dở khóc dở cười. Nhiều lúc tưởng chừng như hạnh phúc sắp đến thì ngay sau đó y như rằng tôi lại đang giẫy chết trong 1 cái hố nào đó. Ngay cả ngày sinh tôi cũng có đến 2 ngày sinh 10-11 và 10-1 do ngày tôi sinh bố mừng quá, tổ chức ăn uống linh đình mà đến nỗi ghi nhầm mà ngay cả người trực ban cũng không thấy… Có lúc tôi nghĩ rằng, mình đang sống số phận của một người khác. Nếu lúc đó mẹ không xẩy thai thì tôi cũng chẳng được sinh ra cơ mà. Tôi là gì trong cuộc sống của tôi và trong gia đình tôi?
Sinh ra với nhiều mong chờ… có lẽ tôi cảm nhận vậy. Ngày bé rất được cưng chiều. Cho dù bố mẹ cũng đánh đòn nhiều, đặc biệt là bố. Tôi còn nhớ có những ngày trời đông, bố lấy thanh tre đánh vào chân tay 3 chị em khi phạm lỗi mà đến cả 2 tuần cũng chưa lành. Mỗi lần đi chơi về mà thấy bố đã ở nhà là biết tự giác lấy roi ra để ở góc nhà để tí bố xử… nói chung là sợ bố hơn cả sợ cọp. Mỗi lần bữa cơm, không ai dám nói trái ý bố. Bố cũng uốn nắn tôi theo cách của riêng mình… Câu nói quen thuộc của Bố mà Tôi vẫn luôn nhớ là : “ Mày cũng đi học như chúng nó. Tiền bố mẹ chúng nó đóng thế nào tao cũng đóng như thế. Tại sao chúng nó học được như thế mà mày không học được ”
Tình thương của bố dành cho tôi, có lắm lúc hạnh phúc, lắm lúc lại thấy ngột ngạt bức bối và muốn thoát ra. Lúc tôi 3 tuổi, bố đã mang về cho cuốn truyện đô rê mon đầu tiên, cũng là cuốn truyện tranh đầu tiên tôi được xem… 4 tuổi tôi bố dậy hết các phép tính. Ngày nào trước khi đi làm bố cũng viết ra khoảng 100 dẫy phép tính để tôi làm. Có lẽ chính nhờ điều đó mà sự ham học của tôi đã bắt đầu sớm, ham tìm hiểu ham đọc khi những năm đi học đầu đời bắt đầu. Tôi đã học bằng suy nghĩ của một đứa trẻ, học để biết… Dành những giờ ra chơi để làm hết bài tập toán, say mê những cuốn sách văn đầy mơ mộng và ảo tưởng không thực tế. Một thằng bé từng khóc khi đọc lại bài thơ gì mà nhớ được mấy câu “ Ông bị đau chân… Cái chân nó tấy…..”… rồi đọc rất nhiều sách văn của các lớp trên. Tôi nhớ mình từng rất thích thú mỗi lần đọc sách Kể Chuyện, sách Văn Học của Chị… có thể vậy mà suy nghĩ có lúc thấy cuộc sống nó quá hồng nó quá sách vở chăng ?
“Ngày đầu tiên đi học… mẹ dắt tay đến trường… em vừa đi vừa khóc…”
Còn nhớ cái cảm giác lần đầu tiên ngồi sau yên xe đạp mẹ đèo tới trường. Cảm giác lạ lẫm, vui mừng chứ không sợ sệt điều gì. Tan giờ học đã thấy mẹ ở ngoài cửa, ra cổng trường mua cho cây kem 200đ ( lúc ấy kem rẻ nhất là 100đ – loại kem đen đầy đường phên, kem 200đ màu trắng, có trộn thêm dừa, kem 1000đ là kem cao cấp, ngoài là đen của socola, trong là xanh màu cốm )… Nhớ cái lần đầu tiên theo bạn để tự đi một mình về nhà, dù nhà tôi chỉ thẳng đường tới trường là tới nơi.
Cái trò hồi còn lít nhít lũ trẻ con hay làm là thưa cô giáo, thưa mọi điều, bất cứ gì mà mình thấy sai trái. Hình như thưa cô nhiều là được khen hay sao ấy. Có lẽ cái suy nghĩ về điều đúng và sai của trẻ con thật đơn giản, chẳng như người lớn… nhưng cuối cùng nó cũng sẽ bị thời gian, bị cuộc sống làm thay đổi. Có những thứ không sai, cũng chẳng đúng… hoặc có những thứ thấy sai mà vẫn bảo đúng và ngược lại.
Cứ thế chầm chậm trôi qua… trải dài là những ký ức vụn vặt. Bởi dường như nó là bình thường, con người ta chỉ nhớ những gì đẹp nhất hay đau khổ nhất thôi. Có lẽ những gì tôi nhớ, nó chỉ là phần rất nhỏ của 1 thời thơ ấu, đẹp đẽ, ít vẩn đục mà ai cũng muốn quay lại… ai cũng muốn mình là hành khách trong chuyến tàu về với tuổi thơ
Nhà có 2 chị nên có lẽ tôi nhàn nhất. Nên chả biết làm gì ngoài chơi… Mẹ lúc ấy chăn lợn, mà chăn lợn muốn lãi nhiều phải đi lấy rau về chăn. Rau ở đây thường là loại dau dền mọc ở ruộng rau, hoặc là những lá rau mà người ta bỏ đi ( sâu, héo )… Nhớ những lần đi lấy rau cùng 2 chị. Mang theo 1 cái làn to, đi khắp các ruộng sâu trong làng của thổ ( ở trên mình gọi tày nùng là thổ )… những lần bị họ vác gậy ra đuổi vì sợ lấy rau họ trồng, nhớ cái mùi nồng hôi của những hố shit lộ thiên để làm phân bón xanh mà không cần ủ. Để khi về nhà lại phải nhặt lại, băm, nấu cám cho lợn. Vất vả mà chẳng được bao nhiêu vì có lẽ mẹ nuôi không khéo hay ông trời chẳng thương nhà tôi. Khi thì ốm, khi thì còi. Lần cuối cùng mẹ nuôi lợn được béo thì bị người ta lừa mua mà không trả tiền…